Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản

PV - 16:08, 13/08/2018

Khi du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ lực, đồng nghĩa với loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể, hệ thống di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa chính là nguồn tài nguyên du lịch lớn, góp phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch giữa các vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp di sản bị xâm hại khi đưa vào khai thác du lịch. Vậy làm thế nào để vừa có thể bảo tồn nguyên vẹn di sản mà vẫn kết hợp để phát triển du lịch?

du lịch Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng nam) là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch.

Cần nhìn nhận đúng hướng

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có gần 40.000 di tích (trong đó gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.463 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt); 61.669 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 249 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia); 161 bảo tàng, 142 bảo vật quốc gia và trên 3 triệu tài liệu, hiện vật. Nổi bật trong số đó là 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận.

Với kho tàng di sản thiên nhiên và văn hoá, vật thể và phi vật thể đồ sộ ấy, du lịch chính là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa Việt Nam tới công chúng cả nước, bạn bè quốc tế.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2017, quần thể di tích Cố đô Huế đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, thu hơn 320 tỷ đồng từ bán vé; Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đón 1,96 triệu lượt khách, thu về 219 tỷ đồng từ bán vé… Như vậy, có thể thấy giữa hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch có mối quan hệ mật thiết. Nếu biết quản lý, sử dụng đúng hướng, di sản sẽ là nguồn lực lớn mang đến lợi nhuận lâu dài, bền vững cho du lịch nói riêng và nền kinh tế-xã hội nói chung.

Tuy nhiên, từ thực tiễn để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dựa trên khai thác di sản, phần lớn thua thiệt thường thuộc về di sản khi công tác bảo tồn chưa được coi trọng đúng mức. Bằng chứng là để đánh đổi cho những công trình hoành tráng như các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống cáp treo…; hàng trăm nghìn ha rừng đã biến mất, nhiều bãi biển đẹp bị biến dạng, nhiều dãy núi bị tàn phá và cùng với đó là sự biến đổi hệ sinh thái tự nhiên cũng như môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Mới đây, dư luận lại tiếp tục ngỡ ngàng, đau xót khi một “công trình du lịch đồ sộ” hàng ngàn bậc thang lên núi Cái Hạ “mọc ngay” giữa vùng lõi Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) mà không hề được cấp phép; tượng Bà Chúa Xứ thứ hai cũng được doanh nghiệp lén lút thi công trên núi Sam (An Giang). Dù các công trình này đã được tháo dỡ, nhưng những tổn thương gây ra đối với cảnh quan, hệ sinh thái di sản khó có thể khắc phục.

Như vậy, nếu phát huy di sản bằng con đường du lịch, đặt mục tiêu kinh tế lên trên thì chỉ mang đến những lợi ích ngắn hạn trước mắt mà để lại hậu quả lâu dài.

Hài hòa giữa phát triển với bảo tồn

Tại Hội nghị về “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể lại câu chuyện trong buổi tiếp một vị hoàng thân của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất năm 2017, vị khách này đã nói với Thủ tướng rằng: “Chúng tôi có thể tạo ra bãi biển hay quả núi mới, thậm chí tạo ra người máy, nhưng chúng tôi ghen tị vì Việt Nam may mắn có quá nhiều di sản thiên nhiên và văn hoá vật thể và phi vật thể” . Qua câu chuyện, Thủ tướng nhấn mạnh, “Vì thế, tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù chỉ là một phần cũng chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc” .

Cần gắn kết trách nhiệm giữa người làm du lịch và cơ quan quản lý di sản để làm tốt mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. (Ảnh minh họa) Cần gắn kết trách nhiệm giữa người làm du lịch và cơ quan quản lý di sản để làm tốt mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. (Ảnh minh họa)

Trước đó, một số địa phương đã làm tốt giữa việc hài hòa bảo tồn di sản kết hợp phát triển kinh tế, đơn cử như tỉnh Phú Thọ. Sau khi di sản hát Xoan chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 8/12/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tổ chức các chương trình giới thiệu về miền đất tổ, kết nối các doanh nghiệp du lịch để tìm ra các sản phẩm phù hợp phục vụ nhu cầu du khách. Đưa hát Xoan thành sản phẩm du lịch, đồng thời nhằm bảo tồn di sản này đang là mục tiêu của ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Chúng tôi có chương trình đào tạo bồi dưỡng cho các nghệ nhân vừa trình diễn cách hát thờ thần, vừa trình diễn phục vụ khách du lịch, tập huấn cho họ phương pháp đón tiếp khách, giới thiệu cho họ hiểu những giá trị của di sản hát Xoan với các đoàn khách tùy các đối tượng khác nhau” .

Như vậy, để giải quyết hài hòa câu chuyện phát triển du lịch gắn với bảo tồn nguyên vẹn di sản, cần có sự gắn kết trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa giữa những người làm du lịch và những cơ quan quản lý di sản, để hạn chế các tác động của con người đến di sản ở mức độ cho phép.

HỒNG MINH