Phát huy vai trò “bà đỡ”
Gia đình chị Lý Thị Minh, ở bản Nà Khang, xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) có 4ha đất đồi dốc. Trước đây, gia đình chị chuyên canh các loại cây trồng truyền thống như ngô, mía; thu hoạch mùa được mùa mất, giá cả lại lên xuống tùy theo thương lái.
Năm 2008, sau khi tham gia vào HTX Ngọc Lan, gia đình chị mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây ăn quả (nhãn, xoài, bưởi) theo tiêu chuẩn VietGAP. Được HTX cung ứng vật tư, phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, kinh tế gia đình chị Minh tiến dần lên từng bước. Đến nay, trên diện tích 4ha đất sản xuất, thu nhập bình quân của gia đình chị Minh đạt từ 300-400 triệu đồng/năm.
Cũng như gia đình chị Minh, 52 xã viên của HTX Ngọc Lan đang ngày càng “phất” lên từ mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Như gia đình xã viên Nguyễn Đắc Đông, cùng ở bản Nà Khang, bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ trồng nhãn, xoài, bưởi.
Điều làm cho chị Minh, anh Đông cũng như các xã viên yên tâm đầu tư vào sản xuất là, HTX Ngọc Lan ngày càng phát huy vai trò “bà đỡ”. Từ chỗ chỉ cung ứng vật tư, phân bón, giống,… thì hiện HTX chuyển hướng mạnh sang tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho xã viên và người nông dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, thời gian qua, HTX đã kết nối với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Đặc biệt, từ năm 2017, HTX đã liên kết với doanh nghiệp để mở hướng xuất khẩu. Tháng 6/2017, lô xoài xanh của HTX đã được xuất khẩu sang thị trường Úc.
“Năm 2018, dự kiến sản lượng cây ăn quả của HTX đạt 1.080 tấn, trong đó sẽ có 100 tấn được xuất khẩu. Doanh thu của HTX ước tính sẽ đạt 17 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết. Doanh thu 17 tỷ đồng/năm là một con số không hề nhỏ đối với một HTX ở khu vực miền núi.
HTX Ngọc Lan phát huy vai trò “bà đỡ” đã hỗ trợ các xã viên phát triển kinh tế gia đình, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của xã Hát Lót. Năm 2017, HTX Ngọc Lan đã cùng với các thành phần kinh tế khác “kéo” tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Hát Lót xuống còn 5,7% (toàn tỉnh tỷ lệ này là 29,15%); dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ giảm xuống dưới 5%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Mới chỉ là những điểm sáng
Hoạt động hiệu quả của HTX Ngọc Lan là minh chứng cho vai trò quan trọng của lĩnh vực kinh tế tập thể ở khu vực miền núi; đồng thời cũng phản ánh rõ nét hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Theo tính toán của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với mô hình này, năng suất lao động của các thành viên HTX tăng từ 5-10%, giá bán sản phẩm tăng từ 20-25%, thu nhập của thành viên tăng 30%.
Nhưng có một thực tế, ở Sơn La nói riêng, cả nước nói chung hiện chưa có nhiều HTX hoạt động theo mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản như HTX Ngọc Lan. Theo số liệu của UBND tỉnh Sơn La, tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh mới chỉ có 57 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.
Còn tính chung cả nước, theo số liệu của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện cũng chỉ mới có khoảng 700 mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; trong đó có 25 mô hình HTX do Liên minh HTX Việt Nam chỉ đạo thực hiện, gần 700 mô hình do Liên minh HTX các tỉnh, thành phố và HTX trực tiếp xây dựng. Đặc biệt, để phát triển mô hình HTX kiểu mới này thì việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phải là yếu tố hàng đầu; nhưng hiện chỉ mới có khoảng 1% HTX (trong tổng số 21.212 HTX trên cả nước) thực hiện điều này.
Không khó để nhận thấy, sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi đang theo hình thức kinh tế gia đình tự phát; sản phẩm người nông dân làm ra chủ yếu được bán cho các thương lái, thị trường trôi nổi. Vì vậy, mặc dù có quỹ đất rộng, nhân lực dồi dào nhưng khu vực nông thôn miền núi vẫn là “lõi nghèo”, các huyện nghèo 30a đại đa số đều thuộc khu vực miền núi.
Để đánh thức tiềm năng nông sản miền núi, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị là giải pháp tối ưu. Nhưng giải pháp này không thể áp dụng vào hình thức sản xuất hộ gia đình mà phải chuyển giao qua hình thức kinh tế tập thể, là HTX hoặc Tổ hợp tác. Trong điều kiện chưa có nhiều doanh nghiệp thì mô hình HTX vẫn là lựa chọn hữu hiệu. Ngoài thực hiện vai trò “bà đỡ” trong sản xuất và tiêu thụ thì HTX là địa chỉ để tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất-một “bí quyết” không thể thiếu trong thời đại công nghiệp 4.0.
SỸ HÀO