Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển kinh tế lâm nghiệp: Giải bài toán xuất khẩu bền vững cho ngành gỗ

Sỹ Hào - 17:46, 20/12/2022

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là tập trung đầu tư mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Đây là giải pháp để bảo đảm “đầu vào”, nhưng vấn đề phải bàn là giải bài toán “đầu ra” cho ngành gỗ, bởi hoạt động xuất khẩu gỗ vẫn đối diện nhiều thách thức.


Sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp.

Dư địa lớn từ đầu vào ổn định

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước có khoảng 14 triệu ha rừng, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất. Nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành gỗ tập trung chủ yếu ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kinh tế rừng cũng là sinh kế chính của đồng bào các DTTS. Một phân tích của Ủy ban Dân tộc (UBDT) từ cơ cấu kinh tế của 45 tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi cho thấy, nông, lâm nghiệp vẫn là thế mạnh; sinh kế của người dân cũng chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp.

Theo đó, tỷ trọng lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp lên tới 72,3%, cao hơn gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Ở 20/53 DTTS, chỉ tiêu này cao trên 95%, gồm các dân tộc: Brâu, Mông, Gia Rai, Ê-đê, Ba Na, Xơ Đăng, M’nông, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, La Hủ, Mảng, Rơ Măm…

Vì thế, những năm qua, các địa phương đã triển khai có hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng, cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ, phát triển kinh tế rừng. Theo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của UBDT, giao đất, giao rừng là một trong những chính sách nổi bật đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

 Đến nay, tổng diện tích rừng đã giao là gần 806 nghìn ha, cho trên 12 nghìn cộng đồng DTTS quản lý (trung bình 66,6 ha/cộng đồng) và trên 936 nghìn ha cho trên 439 nghìn hộ DTTS quản lý (trung bình 2,13 ha/hộ); qua đó góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 42,01%, cao hơn mức bình quân thế giới.

Giao đất, giao rừng là một trong những chính sách nổi bật đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)
Giao đất, giao rừng là một trong những chính sách nổi bật đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Theo GS.TS. Đặng Kim Vui (Đại học Thái Nguyên), cùng với chính sách giao đất giao rừng, chính sách phát triển rừng đã nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, bảo vệ và trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng. Đồng bào các dân tộc đã thấy được hiệu quả trồng rừng và rừng trồng nên mong muốn được giao đất để trồng rừng nguyên liệu.

Đây cũng là một trong những định hướng phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trong kế dài hơi của Chính phủ. Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, tập trung đầu tư mạnh cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng, góp phần quan trọng nhất thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong các trung tâm chế biến gỗ lớn của khu vực và thế giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Với chiến lược phát triển này, nếu thực hiện tốt, có quy hoạch tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn, ngành gỗ Việt Nam trong tương lai không quá lo về nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là đối với nguyên liệu chế biến đồ gỗ. Một thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện gỗ nguyên liệu trong nước đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu; trong đó, tỷ trọng gỗ rừng trồng đi vào chế biến đồ gỗ chiếm từ 30 - 40% trong tổng lượng gỗ khai thác.

Tìm đường xuất khẩu bền vững

Với nguồn nguyên liệu đầu vào khá ổn định, thời gian qua, ngành gỗ đóng góp tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng trong 10 tháng năm 2022, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu bền vững là một vấn đề đã và đang được đặt ra cho ngành gỗ Việt Nam.

Năm 2022, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu là 16,5 tỷ USD. Nhưng tính đến ngày 15/10, xuất khẩu gỗ mới đạt 12,8 tỷ USD; tức là hoàn thành được 77,6% và còn cần thêm 3,7 tỷ USD trong thời gian còn lại để hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng trong tháng 11, hoạt động xuất khẩu chững lại và sụt giảm. Chỉ riêng hoạt động xuât khẩu của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), trong tháng 11, xuất khẩu gỗ giảm 10% so với tháng 10.

Đóng góp tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng xuất khẩu bền vững là một vấn đề đã và đang được đặt ra cho ngành gỗ Việt Nam.
Đóng góp tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhưng xuất khẩu bền vững là một vấn đề đã và đang được đặt ra cho ngành gỗ Việt Nam.

Bước sang năm 2023, nhiều dự báo khó khăn sẽ chờ đợi ngành gỗ. Như chia sẻ của ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA là, với tình hình lạm phát đang còn cao, tất cả chuỗi bán lẻ chưa dám đặt hàng nên có thể từ tháng 1 đến tháng 4, 5, 6 sang năm, tăng trưởng chưa thể bằng được nhịp của năm 2022.

“Hy vọng đến tháng 6, nếu kiểm soát được lạm phát thì nguồn lực phát triển sẽ dành cho nửa cuối năm 2023”, ông Phương nhận định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Mỹ vẫn là thị trường chính của ngành gỗ Việt Nam. Khi thị trường này khủng hoảng, Việt Nam cũng sẽ có nhiều rủi ro. Tìm kiếm thị trường mới, gần Việt Nam hơn như thị trường châu Á, cũng đang là giải pháp nhiều doanh nghiệp đang ráo riết thực hiện trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển tăng mạnh như hiện nay. Ngoài ra, những thị trường như Australia, Canada hay Trung Đông cũng là được đánh giá là rất tiềm năng cho gỗ Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ cùng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các thị trường nhập khẩu. Nhất là trong bói cảnh, Việt Nam đã tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tại Hội thảo “Xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững” diễn ra ngày 18/11/2022 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho rằng, thời gian tới, thách thức chính của doanh nghiệp Việt Nam là phải đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững, phát triển sản xuất xanh, sản phẩm xanh, đáng tin cậy. 

Theo ông Jean Jacques Bouflet, với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam, muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép VPA/Flegt, giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG (Environmental-Social-Governance), phát thải CO2…

Quy hoạch phù hợp để tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu.
Quy hoạch phù hợp để tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến đồ gỗ xuất khẩu.

Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ HAWA, đối với nguyên liệu chế biến đồ gỗ, khi trong nước chưa đáp ứng được thì doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu. Nhưng trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tiêu chí môi trường trong nước, mà cả trên toàn cầu, và việc nhập khẩu gỗ phải đảm bảo nguồn gốc.

“Với các yêu cầu về môi trường, về lao động, hay nguồn gốc xuất xứ, mặc dù là rào cản kỹ thuật, nhưng đây là cơ hội để nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Khi DN vượt qua được những yêu cầu này, sẽ tạo ra bước tiến mới. Do vậy, doanh nghiệp phải xem những yêu cầu về môi trường, lao động này là thành tựu và phải vượt qua”, ông Phương cho biết.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với xuất phát điểm là ngành nghề thủ công, sau công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng liên tục với các thay đổi của thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid - 19, các doanh nghiệp chế biến gỗ từ quan hệ cạnh tranh nên chuyển đổi sang các định hướng hợp tác. 

Đồng thời, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân công cho doanh nghiệp mà còn là giải pháp để tháo gỡ các rào cản kỹ thuật từ phía các thị trường nhập khẩu.

Để phát triển xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo chiến lược này, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.