Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát triển kinh tế-xã hội các DTTS rất ít người ở Kon Tum: Tạo đột phá trong cách đầu tư, hỗ trợ

PV - 09:53, 26/07/2019

Với nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm và Brâu ở tỉnh Kon Tum ngày càng được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào Rơ Măm và Brâu vẫn còn nhiều khó khăn. Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của hai dân tộc rất ít người này, các cấp chính quyền địa phương cần có những giải pháp đột phá.

Nhiều đổi thay

Trong cộng đồng các DTTS của nước ta có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người; bao gồm: Pu Péo, Si La, Ơ-đu, Rơ Măm và Brâu. Dân tộc Rơ Măm và Brâu chỉ có ở tỉnh Kon Tum, đều cư trú ở những địa bàn biên giới của tỉnh. Trong đó, dân tộc Rơ Măm sinh sống tập trung tại thôn Làng Le, xã Mo Rai (huyện Sa Thầy); dân tộc Brâu sinh sống chủ yếu tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y (huyện Ngọc Hồi).

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, tính đến tháng 7/2019, dân tộc Rơ Măm tại thôn Làng Le có 151 hộ, với 453 nhân khẩu; dân tộc Brâu có khoảng 161 hộ, với 513 khẩu.

Đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le, xã Mo Rai được thăm khám sức khỏe thường xuyên. (Ảnh chụp ngày 23/7/2019) Đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le, xã Mo Rai được thăm khám sức khỏe thường xuyên. (Ảnh chụp ngày 23/7/2019)

Ông Trần Văn Tấn, Trưởng Phòng Chính sách-Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, trước năm 2005, đồng bào dân tộc Rơ Măm, Brâu chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với hình thức canh tác là chọc, trỉa các loại cây hoa màu ngắn ngày (lúa, sắn, ngô). Hơn nữa, dụng cụ sản xuất thô sơ, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên là chính. Vì vậy, đời sống của đồng bào rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

“Từ năm 2005 đến nay, với nguồn lực từ các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, diện mạo ở Làng Le cũng như thôn Đăk Mế đã đổi khác rất nhiều. Không chỉ hạ tầng cơ sở được đầu tư, mà bà con còn được hỗ trợ phát triển sản xuất, tiếp cận tư duy canh tác mới, đời sống vì thế cũng được nâng lên rõ rệt”, ông Tấn cho biết.

Đặc biệt, giai đoạn 2005-2010, từ Dự án Hỗ trợ, phát triển dân tộc Brâu và dân tộc Rơ Măm, đồng bào dân tộc Brâu, Rơ Măm đã biết làm ruộng nước 2 vụ, trồng các loại cây công nghiệp như: cao su, bời lời, cà phê, chăn nuôi gia súc... Đồng bào đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng, vật nuôi được cải thiện rõ rệt, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đã được nâng lên đáng kể.

Kết quả rõ nhất của các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Rơ Măm và dân tộc Brâu là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân tăng lên. Theo thống kê, năm 2005, theo chuẩn nghèo đơn chiều (chỉ tính thu nhập), thì tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Rơ Măm và Brâu đều xấp xỉ 70%. Nhưng tính đến tháng 7/2019, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Rơ Măm đã giảm xuống còn khoảng 27,8%; dân tộc Brâu chỉ còn 4,97%. Tính về thu nhập, nếu như năm 2005, đồng bào dân tộc Rơ Măm và Brâu chỉ đạt bình quân chưa đầy 1 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã đạt trên 11 triệu đồng/người/năm.

Tìm cách làm đột phá

Giai đoạn 2016-2025, thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người, tỉnh Kon Tum cũng đã được bố trí vốn để tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc Rơ Măm và dân tộc Brâu. Chỉ tính trong năm 2018-2019, từ vốn sự nghiệp của Đề án, Kon Tum đã được ngân sách Trung ương bố trí hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất.

Tại thôn Làng Le, theo ông A Dê, Phó Chủ tịch UBND xã Mo Rai, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2019, từ nguồn vốn của Đề án, xã đã cấp 14.249 cây keo lai giống, 3.035kg phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho đồng bào dân tộc Rơ Măm. Ngoài ra, với 6.480 cây giống được hỗ trợ, xã đã thí điểm cho 90 hộ tại thôn Làng Le trồng cây cao su.

“Đề án hỗ trợ đồng bào Rơ Măm đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Là xã biên giới, đến nay, với nhiều nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo ở Mo Rai đã giảm xuống còn khoảng 22%”, ông A Dê cho biết.

Những đổi thay trong đời sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm cũng như dân tộc Brâu là thành quả của một quá trình đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương xuống địa phương. Nhưng cũng không thể phủ nhận, so với mặt bằng phát triển chung thì dân tộc Rơ Măm và dân tộc Brâu vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Chỉ tính riêng ở thôn Làng Le, với 151 hộ đồng bào dân tộc Rơ Măm thì vẫn còn 42 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân của người dân thôn Làng Le hiện rất thấp; kéo theo thu nhập bình quân của xã Mo Rai hiện chỉ đạt khoảng 13 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu hết năm 2019 nâng thu nhập bình quân toàn xã lên trên 15 triệu đồng/người/năm.

Một trong những kiến nghị của địa phương là Trung ương sớm bố trí vốn để thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội DTTS rất ít người theo Quyết định 2086/QĐ-TTg. Nhưng khảo sát thực tế, ngoài vấn đề vốn thì quan trọng nhất vẫn là giải pháp hỗ trợ của địa phương, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất.

Theo ông Trần Văn Tấn, Trưởng Phòng Chính sách-Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thì phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của đồng bào. Như đồng bào Rơ Măm chủ yếu có nhu cầu hỗ trợ bò giống, cấp cây giống như điều, cao su; còn với đồng bào Brâu ngoài bò giống thì lại có nhu cầu hỗ trợ cây cà phê. Do đó, để thực hiện Đề án, các địa phương phải khảo sát kỹ nhu cầu của đồng bào, từ đó cấp huyện, cấp tỉnh mới có phương án hỗ trợ đúng và trúng, góp phần tạo đột phá trong hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội dân tộc Rơ Măm và dân tộc Brâu.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, tại Tp. Sầm Sơn. Tham dự Hội nghị có 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.