Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi: Quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết

Hoàng Thanh –Thanh Huyền - 15:37, 15/06/2020

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã đi gần hết chặng đường. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian một buổi chiều để thảo luận, cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH (ngày 13, 15/6), nhiều đại biểu tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Có thể nói, đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của đại biểu Quốc hội để vùng đồng bào DTTS và miền núi có điều kiện vươn lên cùng đất nước.

Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi: Quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết
Nhiều vấn đề liên quan đến phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm kiến nghị tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. (Trong ảnh: Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH ngày 15/6).

Vui mừng vì sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS

Là một đại biểu đại diện cho cử tri nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) xúc động bày tỏ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước luôn dành những tình cảm tốt đẹp với đồng bào DTTS.

Cho ý kiến về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu Hà nhấn mạnh, đây là cơ hội lớn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển và là mơ ước của hàng vạn hộ gia đình nghèo, cả người DTTS và người Kinh sinh sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đang rất khó khăn. Bởi, đồng bào sẽ có cơ hội giải quyết được những khó khăn mà có những vấn đề tưởng chừng như không có lối mở. “Đồng bào rất mong muốn được Quốc hội phê duyệt và Chính phủ triển khai chương trình này”. Đại biểu Hà chia sẻ.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) bộc bạch, những năm qua, các thiết chế cơ bản đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, như: hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá, phủ sóng điện thoại được tiếp cận với thông tin đã có những chuyển biến tích cực. Một số địa phương vùng DTTS và miền núi như tỉnh Sơn La đã bắt đầu hình thành sản xuất nông sản hàng hóa sạch theo chuỗi, được người tiêu dùng trong nước đánh giá tốt và bước đầu tiếp cận với thị trường nước ngoài… Nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào các DTTS và miền núi còn rất nhiều khó khăn. Sự chuyển biến còn có phần chậm so với các vùng khác về mức sống, về tiếp cận y tế, về giáo dục toàn diện, về dinh dưỡng cho trẻ em.

Đại biểu Sỹ vui mừng vì ngay tại kỳ họp kì này, Quốc hội đã thảo luận về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030. “Tôi tin rằng những Chương trình này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực cho đời sống của người dân. Mục tiêu lớn nhất và quan trọng nhất của chương trình là phải tạo ra được việc làm cho người dân một cách bền vững, thay đổi tư duy canh tác để người dân có thu nhập ổn định…”. Đại biểu Đinh Công Sỹ chia sẻ.

Quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết ở vùng đồng bào DTTS

Có thể nói, cùng với việc khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đại biểu cũng đã quan tâm kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn bức thiết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay. Giải quyết đất ở, đất sản xuất; quan tâm phát triển hạ tầng; tạo sinh kế; giải quyết việc làm; đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng… là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi: Quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết 1
Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) phát biểu thảo luận về Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nhấn mạnh vấn đề ngân sách nhà nước dành cho giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết: để thực hiện tốt Luật Giáo dục, Chính phủ không được cào bằng giữa các địa phương mà phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho giáo dục vùng DTTS,  miền núi, vùng sâu, vùng xa và các tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách và khả năng chi cho giáo dục rất thấp. Công tác xã hội hóa cho giáo dục cũng rất thấp nên cần phải quan tâm đến các địa bàn này. 

Tương tự, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề nghị Chính phủ có giải pháp và ưu tiên nguồn lực đảm bảo để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để tập trung đẩy mạnh giáo dục, đào tạo các cấp học ở vùng đồng bào DTTS, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch về chất lượng đào tạo giữa các vùng, miền.

Quan tâm đến vấn đề phát triển rừng, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng, đảm bảo nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho chăn nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo…