Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững: Chưa giàu được từ rừng (Bài 1)

Sỹ Hào - 10:20, 25/05/2023

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lâm nghiệp gắn với ổn định và nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng giữa công tác phát triển lâm nghiệp và mục tiêu giảm nghèo ở địa bàn này vẫn còn “độ vênh” nhất định, đòi hỏi phải có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách.

Diện tích rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ của cả nước còn rất hạn chế (Trong ảnh: Rừng sản xuất của đồng bào dân tộc M’Nông ở xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông)
Diện tích rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ của cả nước còn rất hạn chế. (Trong ảnh: Rừng sản xuất của đồng bào dân tộc Mnông ở xã Nam Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông)

Ở những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống thường là những địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng lại là những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Trên bình diện chung, ngành Lâm nghiệp cũng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Đóng góp còn hạn chế

Số liệu từ Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, cả nước hiện có trên 15,4 triệu ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 46,4% tổng diện tích toàn quốc; trong đó tổng diện tích rừng cả nước là trên 14,7 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đạt khoảng 42%. Trong 4 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung trên cả nước ước đạt 69,8 nghìn ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo PGs.Ts. Vũ Huy Đại - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (Đại học Lâm nghiệp), với diện tích rừng, đất rừng hiện có, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững, từ đó thúc đẩy đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, đóng góp của ngành Lâm nghiệp vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) không cao, chỉ dao động trong khoảng 1% tổng GDP quốc gia. Vì vậy, dù là 1 trong 3 trụ cột của “bệ đỡ” nền kinh tế, nhưng tỷ lệ đóng góp của ngành này vào tăng trưởng chung là không nhiều.

Đơn cử như năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Với riêng ngành Lâm nghiệp, số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2022, trị giá xuất khẩu lâm sản ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2021, xuất siêu khoảng 14,1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành Lâm nghiệp chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành Nông nghiệp là 0,27 điểm phần trăm, thủy sản đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Nhiều địa phương miền núi có tỷ lệ cao nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng rất cao. (Trong ảnh: TP. Bắc Kạn tổ chức cấp phát gần 5 tấn gạo hỗ trợ cứu đói và thời kỳ giáp hạt đầu năm 2023 cho người dân - Ảnh: backancity.gov.vn)
Nhiều địa phương miền núi có tỷ lệ che phủ rừng cao, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng rất cao. (Trong ảnh: Tp. Bắc Kạn tổ chức cấp phát gần 5 tấn gạo hỗ trợ cứu đói và thời kỳ giáp hạt đầu năm 2023 cho người dân - Ảnh: backancity.gov.vn)

Vì sao ngành Lâm nghiệp vẫn cứ “lẹt đẹt”, dù có tiềm năng rất lớn? Nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này đã chỉ rõ, hiện sản phẩm lâm nghiệp của nước ta chủ yếu là sản phẩm thô; số doanh nghiệp chế biến còn hạn chế; chi phí chế biến cao làm “đội” giá thành sản phẩm. Một thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có 6.234 doanh nghiệp (DN) chế biến, thương mại gỗ thì khoảng 42% DN tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ; trong khi vùng nguyên liệu chủ yếu tập trung ở miền núi phía Bắc và Duyên hải miền Trung. Điều này làm tăng chi phí vận chuyển, dẫn tới tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh.

Một nguyên nhân chính nữa là, hiện diện tích rừng trồng gỗ lớn, có chứng chỉ của cả nước còn rất hạn chế. Số liệu của Cục Lâm nghiệp cho thấy, cả nước hiện có trên 489 nghìn ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn; tổng diện tích rừng có chứng chỉ tại Việt Nam mới đạt hơn 307.000 ha, trong đó bao gồm 40.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Vì vậy, đối với các sản phẩm xuất khẩu, ngành lâm nghiệp vẫn phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, với lượng nhập khẩu tăng theo năm. Trong đó, năm 2018, nước ta nhập khẩu 8,4 triệu tấn gỗ, năm 2019 là 8,5 triệu tấn, năm 2022 là 10,1 triệu tấn.

Sinh kê của đại bộ phận người dân miền núi dựa vào rừng. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Dao ở thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có thu nhập ổn định từ nghề thuốc Nam- Ảnh: TL)
Sinh kế của đại bộ phận người dân miền núi dựa vào rừng. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Dao ở thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có thu nhập ổn định từ nghề thuốc Nam - Ảnh: TL)

Tỷ lệ nghèo cao ở những nơi nhiều rừng

Một trong những vai trò quan trọng của ngành Lâm nghiệp là giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo cho các địa phương có rừng. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2022, ngành Lâm nghiệp đã tạo việc làm cho trên 500.000 công nhân lao động và trên 1 triệu hộ nông dân tham gia trồng rừng ở vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn này.

Nhưng ngành Lâm nghiệp đã tạo được “cú hích” thực sự cho công tác giảm nghèo ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi - nơi mà sinh kế của đại bộ phận người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng? Trong tham luận của Ủy ban Dân tộc tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” được tổ chức tại Tp. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 4/4/2023 đã đưa ra một cảnh báo đáng suy ngẫm.

Theo đó, Ủy ban Dân tộc nhận định, đồng bào DTTS chưa ổn định đời sống được từ rừng. Nhiều địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi có tỷ lệ che phủ rừng cao nhưng tỷ lệ hộ nghèo càng ở mức rất cao. Đơn cử như tỉnh Bắc Kạn, năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng đạt 73,4% (cao nhất cả nước), nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm 24,82%; tỉnh Cao Bằng có tỷ lệ che phủ rừng là 55,29% thì tỷ lệ hộ nghèo là 29%…

Ở phạm vi hẹp hơn, tỷ lệ che phủ rừng cũng tỷ lệ thuận với tình trạng nghèo. Đơn cử như xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, Điện Biên), tỷ lệ che phủ rừng của xã hiện đạt 77,1%, nhưng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo của Nậm Khăn chiếm trên 40%. Tính chung cả tỉnh Điện Biên, với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 43,5% (cao hơn mức bình quân chung cả nước) nhưng tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 39,98% tổng số hộ, đứng thứ 3 cả nước về số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025.

Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đồng bào các DTTS. (Ảnh minh họa)
Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội của đồng bào các DTTS. (Ảnh minh họa)

Theo Ts. Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thực tế, tình trạng nghèo của một bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS xuất phát từ nhiều nguyên nhân, được đo lường đa chiều; nhưng chỉ số thu nhập vẫn là công cụ quan trọng nhất. Theo Ts. Hoàng Xuân Lương, thu nhập của đồng bào DTTS chỉ thực sự ổn định khi sinh kế của họ được bảo đảm. 

Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến quyền sinh kế của đồng bào dân DTTS; bạn bè quốc tế đều ghi nhận chính sách dân tộc của Việt Nam là ưu việt, nhưng do nhiều khó khăn khách quan và chủ quan trong triển khai thực hiện, nên đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nổi lên một số vấn đề rất đáng quan ngại.

Đặc biệt, với một bộ phận người dân chủ yếu có sinh kế từ rừng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lâm nghiệp gắn với ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Có thể kể đến Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (Quyết định số 327-CT ngày 15/9/1992); Chương trình trồng 5 triệu ha rừng (Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998); Chính sách phát triển rừng sản xuất (Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007); Chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020 (Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015)…

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, các cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần quan trọng nâng cao độ che phủ rừng, giảm thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, hiện công tác giảm nghèo gắn với phát triển lâm nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi phải có những điều chỉnh cho phù hợp trong giai đoạn tới; đặc biệt là cần có cơ chế, chính sách tạo đột phá để phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% và đến năm 2030 có 80% số hộ miền núi, người DTTS sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa; đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người DTTS làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3,0%; đến năm 2030 thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung cả nước.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào Khmer. Từ năm 2021 đến nay, Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực quan trọng, “tiếp sức” cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện mục tiêu “kép”, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer để phát triển du lịch.