Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Bắc Giang: Tập trung phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Xuân Hải - Vân Khánh - 14:17, 13/12/2022

Trong những năm qua, phát triển lâm nghiệp luôn được Bắc Giang xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, ngành lâm nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cán bộ Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đi tuần tra rừng hỗ trợ khoán bảo vệ trên địa bàn
Cán bộ Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đi tuần tra rừng hỗ trợ khoán bảo vệ trên địa bàn

Bắc Giang là địa phương có diện tích rừng trên 160 nghìn ha. Trong đó, có hơn 55 nghìn ha rừng tự nhiên, trên 92 nghìn ha rừng trồng và khoảng 12 nghìn ha rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng. Những năm qua, từ sự vận động của chính quyền địa phương, người dân đã chủ động bám đất, bám rừng để sản xuất lâm nghiệp, từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Như câu chuyện của anh Lư Vinh Kím, dân tộc Tày ở thôn Luồng, xã Tân Lập (Lục Ngạn) đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh rừng của mình. Được biết, cách đây hơn 10 năm, anh Kím đã bắt đầu trồng rừng, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên vụ đầu tiên không đạt được hiệu quả cao, chỉ thu về được gần 100 triệu đồng.

“Năm 2014, được cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn, tôi chuyển sang trồng bạch đàn giống mới trên diện tích vừa thu hoạch. Năm 2021, gia đình tôi thu hoạch 2 ha bạch đàn 4 năm tuổi, thu về gần 400 triệu đồng”, anh Kím phấn khởi chia sẻ.

Có nguồn thu ổn định, anh Kím đã đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và PTNT làm thủ tục công nhận hai rừng bạch đàn giống mới PNCT 3 và CT 4 trồng tại Đội Tiên Tháng Công ty Lâm Nghiệp Yên Thế (Địa bàn khu rừng Chiềng)
Hội đồng khoa học (Bộ Nông nghiệp và PTNT) làm thủ tục công nhận 2 khu rừng bạch đàn giống mới PNCT 3 và CT 4 trồng tại Đội Lâm nghiệp Tiến Thắng - Công ty Lâm nghiệp Yên Thế (địa bàn khu rừng Chiềng)

Có thể thấy, hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc miền núi, mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Anh Kím chỉ là điển hình trong hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành công với mô hình trồng rừng của mình.

Được biết, phát huy lợi thế về rừng, những năm gần đây, trung bình mỗi năm toàn tỉnh Bắc Giang trồng mới từ 7 đến 9 nghìn ha rừng và luôn hoàn thành vượt mức. Trong năm 2022, chỉ tính đến tháng 11, toàn tỉnh đã trồng được 9.895 ha rừng tập trung (trong đó trồng được 63,6 ha rừng phòng hộ), đạt 137% kế hoạch.

Song song với đó, nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng và sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, gắn với chuỗi giá trị, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), mục tiêu đến 2030 diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt 17.000 ha. Thực hiện mục tiêu này, đến 30/11/2022, toàn tỉnh đã có 9.198,24 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế (FSC).

 Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng cũng được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm. Năm 2022, các Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và các Hạt Kiểm lâm thực hiện khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng với tổng diện tích gần 32 nghìn ha (đạt 102% kế hoạch), kinh phí trên 12,6 tỷ đồng; chăm sóc rừng khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên có trồng bổ sung năm 3 với diện tích là 20 ha. Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị cơ sở và chủ rừng tăng cường kiểm tra diện tích rừng được giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng để ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm; thống kê, tổng hợp đối tượng, diện tích bị phát phá trên địa bàn làm cơ sở cho công tác nghiệm thu, thanh toán cuối năm.

Cán bộ kiểm tra rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của Công ty TNHH hai thành viên lâm nghiệp Yên Thế.
Đoàn cán bộ kiểm tra rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế.

Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cho biết, phát triển kinh tế rừng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 6%/năm. Tỉnh quy hoạch hài hòa các loại rừng, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia.

Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tổ chức, doanh nghiệp về các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ quốc phòng, an ninh của rừng; tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, cộng đồng dân cư.

“Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành về lâm nghiệp; triển khai hiệu quả các lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp; bố trí, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành lâm nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ và hiện đại hóa ngành lâm nghiệp…”, ông Từ Quốc Huy nhấn mạnh.