Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xuân này, về làng tỷ phú ngựa bạch

Tuệ Đăng - 14:00, 10/02/2021

Một ngày đầu Xuân, cơn mưa phùn mải miết trải khắp các cánh đồng. Lộc Xuân đang cựa mình đón những hạt mưa Xuân đầu tiên. Chúng tôi tìm về làng Phẩm, xã Dương Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Đây chính là làng nghề ngựa bạch nổi tiếng của cả vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Bà Nguyễn Thị Nguyên chăm sóc đàn ngựa bạch.
Bà Nguyễn Thị Nguyên chăm sóc đàn ngựa bạch.

Như chăm “con mọn”…

Theo chân anh Dương Văn Toàn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Dương Thành, chúng tôi tìm đến trại ngựa Nguyên Trường, một trong những trại ngựa tư nhân lớn nhất làng Phẩm, cũng là lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc. Bà chủ Nguyễn Thị Nguyên không ngần ngại chọn con ngựa bạch to nhất, đẹp nhất trong chuồng dắt ra để chúng tôi chụp ảnh. Thế nhưng, chú ngựa “bất kham” ấy khi gặp lại thảo nguyên đã hí lên một tiếng, bứt dây cương rồi tung vó chạy khắp cánh đồng. Ái ngại với chủ nhà, chúng tôi lo lắng hỏi liệu có bắt lại được chú ngựa này không?

Bà chủ cười bảo “ngựa quen đường cũ thôi, đến tối chúng sẽ tự về”.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, thì ông chủ đồng thời là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi ngựa bạch làng Phẩm Dương Văn Trường cũng đi làm về. Biết được việc để xổng ngựa, ông Trường ôn tồn bảo, chăm ngựa là vậy đó, việc ngựa bứt dây cương chỉ là chuyện cơm bữa.

Ông Trường bảo, khó nhất của nghề này chính là chọn được giống ngựa tốt. Không phải con ngựa màu trắng nào cũng là ngựa bạch. Nếu con ngựa có lông màu trắng nhưng da, môi và móng vẫn màu đen thì đó chỉ là ngựa kim, giá trị không cao. Còn ngựa bạch thì ngoài màu lông trắng, da, môi, mắt chân đều phải màu hồng. Con ngươi của mắt ngựa bạch bao giờ cũng tròn vào buổi sáng sớm và buổi tối nhưng cả ngày thì lại méo xệch. Giữa trưa hoặc ban đêm, mắt ngựa bạch đỏ rực như mặt trời.

Ông Trường nhấn mạnh thêm, nếu chọn ngựa bạch nái thì nên chọn con có mông to, tam sơn thấp, cổ cò. Nên chọn kỹ khoang khoáy để tránh ngựa phản chủ, chết yểu, nghẹn nước. Bạch mã có mấy loài như bạch đồng, bạch sáng và bạch kim. Bạch kim là quý nhất, khi tắm xong, lông ngựa lóng lánh như ánh kim.

Lý thuyết là vậy, nhưng để mua được một con bạch mã ưng ý thì lái ngựa phải rong ruổi khắp các vùng non cao núi thẳm. Ông Trường cho biết, bản thân ông cũng đã từng lang thang khắp các chợ ngựa ở Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai rồi sang tận Trung Quốc, Mông Cổ… để tìm và gom ngựa.

Chọn ngựa đã khó, chăm ngựa bạch cũng thật lắm công phu không khác gì chăm con mọn. Hằng ngày, phải chăm cho ngựa ăn rồi tắm rửa, vỗ về chúng, thậm chí thỉnh thoảng cũng phải “yêu cho roi cho vọt”, chúng mới chịu ngoan ngoãn.

Ông Trường cho biết thêm, bình thường là vậy, lúc ngựa ốm thì không chỉ “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” mà chủ ngựa cũng đứng ngồi không yên. Người ta nói “thẳng như ruột ngựa” là hoàn toàn chính xác. Thế nhưng “cái đức tính” ấy thật sự làm khổ người nuôi ngựa. Bởi ngựa thường xuyên bị đau bụng, hay mắc một số bệnh như tụ huyết trùng, siêu mao trùng, ký sinh trùng máu. Những lúc đó, chủ ngựa chạy đôn chạy đáo tiêm thuốc, chăm ngựa vô cùng vất vả. Có những lúc, người dân thức cả đêm ở chuồng ngựa để theo dõi và chăm sóc ngựa ốm.

Những ngôi nhà đẹp, khang trang ở làng Phẩm, xã Dương Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) là kết quả từ việc kinh doanh đúng hướng.
Những ngôi nhà đẹp, khang trang ở làng Phẩm, xã Dương Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) là kết quả từ việc kinh doanh đúng hướng.

Trở thành tỷ phú từ nuôi ngựa

Việc chăm sóc ngựa bạch quả thật là trăm gian, nghìn khổ, thế nhưng, thành quả nó trả lại cũng vô cùng xứng đáng. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Dương Thành cho biết, “tổ nghề” của làng ngựa bạch chính là cụ Đào Văn Tề.

Vào đầu thế kỷ trước, nhà cụ Tề có nhiều đất, nhiều ruộng, trâu, bò cày bừa không xuể. Hơn nữa trâu, bò kéo hàng rất chậm, nên cụ đã đi khắp các mạn ngược như Cao Bằng, Hà Giang tìm mua ngựa để cày bừa kéo xe, lôi gỗ. Ngựa của gia đình cụ Tề khi đó đã nức tiếng trong vùng không ai bì kịp. Từ đó, cụ mua đi bán lại cho nhiều người dân quanh vùng.

Đến những năm 2000, khi máy cày, máy bừa thay con trâu, con bò; ô tô thay con ngựa thồ hàng thì người dân đành mang ngựa ra nấu cao. Và, người dân làng Phẩm không ngờ rằng, nấu cao ngựa lại trở thành “nghề hot”. Khắp trong Nam ngoài Bắc người ta chuộng dùng cao, nhất là cao ngựa bạch.

Từ đây, người dân làng Phẩm chuyển hẳn sang làm nghề nấu cao ngựa bạch. Năm 2008, Hội Chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành được thành lập. Năm 2013, Hội chuyển sang thành lập HTX Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm, với 45 thành viên. Tới năm 2014, làng Phẩm chính thức được đón bằng công nhận là Làng nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ ngựa.

Từ khi thành lập HTX và được công nhận làng nghề, làng Phẩm đã đi vào chuyên nghiệp theo hướng chuỗi giá trị. Từ chỗ chỉ sản xuất sản phẩm cao ngựa, nay có thịt ngựa đông lạnh, phổi ngựa ngâm mật ong… Nhờ công nghệ phát triển, người dân còn chiết xuất được các loại thực phẩm chức năng như, viên nén cao ngựa bạch, sirô mật ong phổi ngựa bạch. Đặc biệt, hiện nay, người dân tập trung sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Chăn nuôi ngựa bạch sinh sản cung cấp cho các trại ngựa và các điểm du lịch ở Sa Pa, Lâm Đồng, Phú Quốc...

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Dương Thành cho biết, làng Phẩm hiện có khoảng 400 hộ dân sinh sống. Trong đó, những hộ làm nghề chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch có thu nhập từ 100 – 120 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tại địa phương xuất hiện nhiều tỷ phú thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm như ông Dương Xuân Trường, Đào Văn Cường, Dương Văn Trung…. 

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.