Theo báo cáo của UBND huyện Phú Xuyên, hiện, 100% các làng ở Phú Xuyên đều có nghề. Trong đó, 40 làng đã được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như khảm trai, sơn mài xã Chuyên Mỹ, mây giang đan, guột tế xã Phú Túc, đồ gỗ xã Tân Dân, Văn Nhân, may mặc xã Vân Từ, tò he xã Phượng Dực... Việc duy trì và phát triển mạnh các làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Có mặt tại làng nghề may mặc xã Vân Từ, chúng tôi không khỏi phấn khởi khi thấy người dân Vân Từ đã từng bước phát triển, xây dựng các chuỗi sản xuất may mặc quy mô lớn. Một số cơ sở đã đứng ra làm đầu mối thiết kế rồi đặt hàng các hộ dân trong làng sản xuất, thu hút khoảng 70% số hộ dân ở địa phương tham gia, với mức thu nhập khá và ổn định. Sản phẩm com-lê, vét-tông Vân Từ đã trở thành thương hiệu có tiếng của Phú Xuyên.
Không chỉ có làng nghề may mặc Vân Từ mà làng nghề sản xuất da giầy xã Phú Yên cũng là một trong những làng nghề có tiếng của Phú Xuyên. Với bề dày sản xuất da giầy gần 100 năm, hiện xã Phú Yên đã thành lập hiệp hội da giầy, với hơn 100 tổ hợp sản xuất lớn, 12 đại lý chuyên cung cấp nguyên, vật liệu cho làng nghề. Với đội ngũ thợ lành nghề, toàn bộ các khâu kỹ thuật từ pha cắt da, may mũi, may mõm, gò phom, ép đế… đều được sản xuất khép kín tại làng nghề. Trung bình mỗi năm làng nghề da giầy Phú Yên cung cấp ra thị trường khoảng mười triệu đôi giầy, dép da các loại, từng bước xây dựng thương hiệu làng nghề da giầy truyền thống.
Ðiểm đáng chú ý là bên cạnh những nghề truyền thống hàng trăm năm lịch sử, Phú Xuyên còn chủ động phát triển các ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, như: sơn mài, mây giang đan… được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, việc kết hợp giữa phát triển làng nghề với phát triển du lịch đã, đang và sẽ đem lại nhiều lợi ích kép cho chính quyền và nhân dân trong huyện. Từ năm 2011, huyện đã tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa như: Trưng bày khu nghệ thuật sắp đặt; triển lãm ảnh nghệ thuật; biểu diễn tay nghề; giao lưu nghệ thuật…
Chỉ tính riêng trong năm 2017, Phú Xuyên đã thu hút được trên 300 đoàn khách trong nước và nước ngoài với tổng số gần 6.000 lượt người đến thăm quan, tìm hiểu di tích lịch sử, du lịch làng nghề. “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống; xây dựng một số tuyến du lịch gắn với làng nghề. Đồng thời, huyện cũng tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của làng nghề”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
HOÀNG VIỆT