Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát triển nguồn nhân lực y tế vùng DTTS và miền núi: Thực tế và nhu cầu còn khoảng cách khá xa (Bài 2)

Thúy Hồng - 15:10, 02/03/2021

Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều chính sách và tạo ra những thay đổi tích cực để tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhưng trên thực tế, ngành y tế, nhất là y tế ở vùng sâu vùng xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển cả về nhân lực, vật lực dẫn đến những hạn chế trong chăm sóc sức khỏe của người dân.

Số lượng bác sĩ tuyến cơ sở vùng DTTS, miền núi đang trong tình trạng thiếu hụt
Số lượng bác sĩ tuyến cơ sở vùng DTTS, miền núi đang trong tình trạng thiếu hụt

Thiếu hụt về số lượng

Quảng Ninh là một trong những địa phương đạt 14,7 bác sĩ/vạn dân, cao hơn trung bình chung của cả nước (10 bác sĩ/vạn dân). Tuy nhiên, nhân lực ở tuyến y tế cơ sở (Trung tâm y tế (TTYT), bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã), nhất là vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn hạn chế cả số lượng và chất lượng. Tỷ lệ bác sĩ hệ điều trị tại các địa phương vùng khó khăn như, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn còn thấp.

Tại TTYT huyện Bình Liêu, hiện có 21 bác sĩ (BS), trong đó 7 BS được tuyển từ năm 2012-2016. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm không tuyển thêm BS nào, trong khi đó có 1 BS chuyển công tác và 2 BS vừa nghỉ hưu trong năm 2020. Trung tâm hiện thiếu khoảng 10 BS ở các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Đông y...

Theo BS Ngô Thị Bình, Giám đốc TTYT huyện Bình Liêu, mặc dù Trung tâm có 21 BS, nhưng đã có 3 BS trong Ban lãnh đạo, 2 BS hệ dự phòng, mỗi năm có 1 - 3 BS đi học nâng cao trình độ, nên thực tế chỉ có 13 - 15 BS thường trực tại các khoa, phòng để khám, chữa bệnh mỗi ngày. Do thiếu người nên một BS ở đây phải kiêm nhiệm từ 1 đến 2 chuyên khoa khác nhau.

Còn tại Quảng Nam, tại 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tổng số BS là 398, tỷ lệ BS chuyên khoa II (4%) và BS chuyên khoa I (34,7%) đều đạt thấp, so với mục tiêu phát triển nhân lực đến năm 2020 là, đối với các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có ít nhất 20% BS chuyên khoa II và ít nhất 50% BS chuyên khoa I trở lên theo quyết định của Bộ Y tế. 

Như vậy, so với các quy định của Bộ Y tế về chuyên môn hiện hành, nhân lực y tế toàn ngành còn bất cập về cơ cấu, chưa đạt 0,2 BS/giường bệnh. Đối với khu vực miền núi, tỷ lệ bác sỹ còn thấp hơn nữa.

Hạn chế về chất lượng

Tình trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ là BS ở tuyến y tế cơ sở; nhân lực y tế dự phòng vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại. Điển hình như ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, có tỷ lệ BS trên vạn dân thấp nhất so với cả nước. Đặc biệt, một số lĩnh vực: pháp y, giải phẫu, lao, phong, tâm thần… của ngành y tế thiếu nhân lực hơn hẳn các lĩnh vực khác. 

Ngay cả Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” được đánh giá là bước đột phá trong giải pháp của ngành y tế, cũng mới chỉ tập trung đào tạo BS chuyên khoa I, trong khi nhu cầu đào tạo BS Y khoa, Kỹ thuật viên Đại học, Điều dưỡng Đại học và Chuyên khoa II tại các vùng khó khăn là rất lớn.

Ví dụ như tại Gia Lai, theo ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế, dù trên địa bàn tỉnh có 4.355 cán bộ y tế đang công tác tại các cơ sở y tế, nhưng toàn ngành vẫn còn thiếu hàng trăm người, nhất là BS ở các lĩnh vực chuyên khoa như, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, giải phẫu… Bên cạnh sự thiếu BS, tại các Trung tâm Y tế huyện còn thiếu một số vị trí khác như: nhân viên chuyên trách dân số, nữ hộ sinh, điều dưỡng...

Trước thực trạng thiếu nhân lực y tế chất lượng tại tuyến y tế cơ sở, không ít ý kiến cho rằng, phải đầu tư ngân sách nhiều hơn cho đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các vùng còn thiếu nhân viên y tế và nhân lực y tế dự phòng. Tuy nhiên, nếu chỉ tăng cường đào tạo là chưa đủ.

Theo ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, nguyên nhân của tình trạng này do cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, tay nghề giỏi chưa phù hợp nên việc phân bổ có sự chênh lệch rõ rệt. Do đó, một trong những giải pháp khả thi là, cần thay đổi chính sách đãi ngộ mạnh mẽ hơn để thu hút BS về vùng sâu, vùng xa, ví như  tăng thêm phụ cấp thường trực cho nhân viên ngành Y tế; điều chỉnh mức lương BS công tác ở vùng khó khăn.