Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển sản phẩm OCOP ở miền núi: Nhiều rào cản cần tháo gỡ

PV - 10:59, 11/09/2018

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một hướng đi tất yếu, nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế để gia tăng giá trị nông sản. Tuy nhiên, để OCOP đi đúng hướng thì rất cần sự vào cuộc với quyết tâm cao nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân.

Mong manh vai trò “bà đỡ”

Tháng 8/2017, UBND huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) công bố kết quả điều tra số liệu sản phẩm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn. Trong 4 nhóm sản phẩm (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm nội thất) thì phở khô Phủ Thông (thị trấn Phủ Thông) là 1/12 sản phẩm đặc trưng của huyện.

Sản phẩm phở khô Phủ Thông (Bạch Thông) được giới thiệu tại Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017. Sản phẩm phở khô Phủ Thông (Bạch Thông) được giới thiệu tại Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017.

Vốn dĩ, phở khô Phủ Thông là một món ăn quen thuộc, dân dã với đại bộ phận người dân hiện nay; để làm ra sợi phở dai, ngon, trắng, dẻo thì người sản xuất phải đúc kết bằng nhiều năm kinh nghiệm. Nghề làm phở khô đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Phủ Thông, góp phần tích cực nâng cao mức sống, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Từ năm 2012, sản phẩm phở khô Phủ Thông đã được sản xuất tập trung tại Hợp tác xã (HTX) Hợp Lực, với sự tham gia của 26 xã viên. Tháng 7/2016, được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ, phở khô Phủ Thông của HTX Hợp Lực đã có bao bì, in đầy đủ thông tin công bố chất lượng, nơi sản xuất, thời hạn sử dụng, cách bảo quản. Tại Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017 (tổ chức ngày 18/11), phở khô Phủ Thông là một trong những sản phẩm đặc trưng được giới thiệu, quảng bá.

Nhưng tháng 4/2018, HTX Hợp Lực đã gửi hồ sơ lên Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện xin tạm dừng hoạt động. Trong nhiều nguyên nhân thì việc xã viên HTX thiếu vốn sản xuất, thiếu máy móc, trang thiết bị nên vẫn chủ yếu sản xuất thủ công,… Ngoài ra, dù sản lượng chưa nhiều (trung bình mỗi ngày HTX sản xuất được 300kg phở khô) nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa ổn định; chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn thị trấn Phủ Thông.

Việc HTX Hợp Lực xin tạm dừng hoạt động thực sự là một rào chắn để sản phẩm phở khô Phủ Thông gia tăng giá trị. Bởi HTX là nơi tập trung các hộ sản xuất lại với nhau-hiểu một cách đơn giản là đưa sản phẩm phở khô vào “khuôn khổ”, từ xây dựng nhãn hiệu để trở thành thương hiệu đặc trưng. HTX còn là “bà đỡ” trong việc kết nối cung cầu sản phẩm cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển. Nay “bà đỡ” tạm dừng hoạt động thì việc phát triển phở khô Phủ Thông theo hướng OCOP sẽ gặp nhiều trở ngại.

Gian nan bảo vệ thương hiệu

Không chỉ riêng phở khô Phủ Thông mà rất nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS gặp rất nhiều khó khăn khi mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, để trở thành OCOP thì không thể bó hẹp phạm vi tiêu thụ trong một địa phương; nhưng để mở rộng thị trường thì nhất thiết phải định hình được thương hiệu.

Nhưng cũng có một thực tế, với sản phẩm nông nghiệp miền núi (vốn rất đa dạng, phong phú), khi tham gia vào chuỗi gia tăng giá trị theo Chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu đã khó thì việc bảo vệ thương hiệu còn khó gấp nhiều lần.

Lấy sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang làm ví dụ. Cùng với sản phẩm rượu thóc, ngô men lá, chè san tuyết thì mật ong bạc hà là một sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Giang, đem lại thu nhập cho hơn 4.400 hộ đồng bào DTTS ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá.

Từ năm 2011 đến năm 2013, với bao công sức của Sở Khoa học và Công nghệ từ khi lập Đề án và trải qua nhiều quy định nghiêm ngặt, sản phẩm mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang mới được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy đăng ký Chỉ dẫn địa lý, phạm vi chỉ dẫn địa lý gồm 47 xã thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn và Quản Bạ. Sau khi có chỉ dẫn địa lý, mỗi lít mật ong bạc hà được bán với giá 400-500 nghìn đồng/lít, cao hơn từ 200 đến 300 nghìn đồng/lít so trước.

Một trong những yếu tố then chốt làm nên chất lượng mật ong bạc hà vùng Cao nguyên đá là ong giống phải là ong nội (ong Apis cerana-ong châu Á), được quy định trong chỉ dẫn địa lý. Nhưng từ khi mật ong bạc hà có thương hiệu, nhiều cá nhân, tổ chức ở các địa phương khác, vào mùa hoa bạc hà trổ, đã đem những giống ong cao sản (như ong Ý) lên đặt tổ. Ong ngoại có kích thước lớn, khỏe, khả năng tranh chấp thức ăn (mật hoa bạc hà) cao so với ong nội, lấy mật, đánh đuổi, cắn chết ong bản địa, dẫn đến sản xuất của người nuôi ong tại địa phương bị ảnh hưởng. Thậm chí các tổ chức nuôi ong ngoại tỉnh còn tự ghi nhãn sản phẩm là mật ong bạc hà... làm suy giảm uy tín, danh tiếng mật ong bạc hà của tỉnh Hà Giang.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, việc các địa phương đưa sản phẩm đặc trưng tham gia vào chuỗi gia tăng giá trị là không hề dễ dàng. Để thực hiện thì rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, quy hoạch, định hướng tổ chức sản xuất, đẩy mạnh quảng bá,… Cùng với đó, để sản phẩm đứng vững, bên cạnh nỗ lực của người dân, thiết nghĩ cũng cần có chế tài xử lý mạnh tay đối với những hành vi làm ảnh hưởng tới hình ảnh PCCP.

TÙNG NGUYÊN