Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát triển thương mại điện tử ở miền núi: Tại sao không?

PV - 10:17, 02/11/2018

Trên bình diện chung cả nước, mua bán trực tuyến (thương mại điện tử) đang đà tăng trưởng bình quân 20%/năm. Nhưng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi thì vẫn là thị phần còn nhiều khoảng trống.

Hướng đi cho nông sản miền núi

Lâu nay, với người dân khu vực miền núi, việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản là một vấn đề không hề dễ dàng. Ngoài một số ít đặc sản đã có thương hiệu, hoặc những mặt hàng nằm trong diện liên kết bao tiêu của doanh nghiệp, hợp tác xã thì còn lại đa số nông sản miền núi vẫn thường gặp khó trong khâu tiêu thụ. Hình thức mua bán truyền thống của bà con vẫn chủ yếu là thương lái từ các nơi đến thu mua tại nương rẫy, do đó không tránh khỏi nông sản bị ép giá.

Hình thức thu mua “tại ruộng” khiến nông sản bị ép giá. (Ảnh minh họa) Hình thức thu mua “tại ruộng” khiến nông sản bị ép giá. (Ảnh minh họa)

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thời gian gần đây, một số địa phương miền núi đã thí điểm và phát triển lĩnh vực mua bán trực tuyến. Nhờ đó, những nông sản vùng cao đã được quảng bá rộng rãi hơn, sản phẩm đến với tay người tiêu dùng ở khắp cả nước, thậm chí xuất khẩu. Người nông dân vì thế cũng có thu nhập cao hơn so với trước đây.

Điển hình có thể kể đến sản phẩm gạo Séng Cù của tỉnh Lào Cai. Là đặc sản nổi tiếng, nhưng trước đây gạo Séng Cù gần như chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua tương tác, hỗ trợ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên các trang thông tin thương mại và mạng xã hội, vài năm gần đây, gạo Séng Cù của Lào Cai đã đến tay người tiêu dùng gần xa. Số lượng nông sản bán ra tăng dần theo năm. Chỉ tính riêng Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi (huyện Bát Xát), bình quân mỗi năm Hợp tác xã này bán ra thị trường khoảng 300 tấn gạo Séng Cù.

Cùng với gạo Séng Cù, nhiều nông sản khác của Lào Cai cũng đã “lên sàn” thương mại điện tử. Vận dụng những sàn giao dịch sẵn có, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các nông sản có thế mạnh của địa phương trên thị trường mua bán trực tuyến. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để đưa nông sản tham gia vào các phiên chợ điện tử; đặc biệt là sàn giao dịch đặc sản badasa.com.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.

Theo ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, trang web thương mại điện tử badasa.com.vn của Bưu điện Việt Nam đã được vận hành 1 năm nay và là một website khép kín toàn bộ quy trình liên quan đến thương mại điện tử từ việc đặt hàng, vận chuyển đến khâu phát, thanh toán.

“Với lợi thế mạng lưới phủ sóng đến tận các xã, thôn, Bưu điện Việt Nam thực hiện được việc tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của bà con vùng sâu, vùng xa. Bưu điện Việt Nam rất mong muốn và khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia vào đơn vị để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm”, ông Hào cho biết.

Cần được trợ sức

Trong xu thế hội nhập vào thời kỳ công nghiệp 4.0, việc tham gia vào thị trường thương mại điện tử là hướng đi tất yếu. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/năm.

Tính đến cuối năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ qua các kênh thương mại điện tử đạt 6,2 tỷ USD, doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 3,6% doanh thu tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức 10 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 350 USD/năm thông qua mua sắm online.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách-Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Hiện thương mại điện tử không chỉ là phương thức mua sắm quen thuộc của người dân thành thị mà còn gần gũi với cả người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, ở các địa phương miền núi, đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều khoảng trống. Ngay cả với những địa phương có đủ điều kiện để thúc đẩy thương mại điện tử thì thị trường này chưa thực sự phát triển.

Như Lào Cai, theo thống kê, mật độ sử dụng điện thoại trên địa bàn tỉnh này đã đạt 101 thuê bao/100 người dân; mạng lưới internet phủ sóng đến 100% các xã. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển thương mại điện tử để tạo thành chuỗi cung ứng bền vững vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Lào Cai đang xếp hạng thấp ở vị trí 34/63 toàn quốc về năng lực cạnh tranh thương mại điện tử.

Thực tế hiện nay, việc hình thành chuỗi sản xuất-tiêu thụ nông sản bền vững vẫn là vấn đề nan giải của các địa phương. Như sản phẩm quả sơn tra (táo mèo) ở huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La). Là một loại quả có giá trị kinh tế cao, nhưng có thời điểm người nông dân trồng sơn tra ở Bắc Yên gặp khó trong khâu tiêu thụ vì sản lượng quá nhiều. Toàn huyện hiện có hơn 2.300ha trồng sơn tra, cho sản lượng bình quân hơn 2.000 tấn/năm.

Việc tiêu thụ nhiều nông sản khác ở các địa phương miền núi cũng bấp bênh như quả sơn tra ở huyện Bắc Yên. Ngay tại Lào Cai, với hơn 200 dòng sản phẩm nông nghiệp có nhãn mác, bao bì cung ứng ra thị trường, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn khi chỉ luẩn quẩn với hình thức mua bán truyền thống.

Phát triển thương mại điện tử rất cần thiết, là hướng đi cho nông sản miền núi. Nhưng để thực hiện thì các địa phương miền núi rất cần sự trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương, nhất là việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực “công nghệ số”.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.