Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển vùng đồng bào DTTS: Bài toán khó mang tên “Việc làm”

PV - 11:54, 07/11/2018

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp giải bài toán “Việc làm” cho lao động DTTS. Tuy nhiên, hiện nay con đường xuất khẩu lao động “chính ngạch” chưa thực sự hiệu quả thì xuất khẩu lao động “tiểu ngạch” lại gia tăng với rất nhiều hệ lụy.

Bài 4: Xuất khẩu lao động- Tiểu ngạch thông, chính ngạch tắt

việc làm Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng tiếp nhận người “lao động chui” từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu Trà Lĩnh. (Ảnh tư liệu)

Báo động xuất khẩu  lao động “chui”

Xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) là một trong những địa phương có người tham gia

xuất khẩu lao động (XKLĐ) khá đông. Theo thống kê của UBND xã, hiện trên địa bàn có hơn 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Chỉ tính riêng bản Khe Kiền đã có 74 người. Tuy nhiên, trong số 74 người chỉ có 4 người là đi theo con đường chính ngạch; còn lại là xuất khẩu “chui”.

Ông La Văn Bống, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền cho biết: Vì ở quê không có việc làm nên lao động trong độ tuổi ồ ạt xa xứ làm ăn. Đa số lao động của địa phương đều đi xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch.

Còn theo ông Kha Đình Phê, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương, số người lao động xuất khẩu “chui” trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng. Ước tính toàn huyện hiện có khoảng 3.000 người đi lao động chui ở nước ngoài. Đáng lo ngại là, có tới 12/18 xã trên địa bàn có phụ nữ kết hôn bất hợp pháp với người nước ngoài, có 48 bà mẹ đã mang con về Việt Nam hoặc về sinh con tại quê. Trong số 52 trẻ sinh ra từ năm 2010 đến 2018, có tới 50 trẻ có bố là người nước ngoài.

“Mặc dù kế hoạch và nghị quyết huyện đã ban hành, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, tìm đơn vị, doanh nghiệp có chức năng để tuyển dụng lao động; thế nhưng, trong 10 tháng qua, số lao động đăng ký xuất khẩu ra nước ngoài chỉ có hơn 10 người”, ông Phê cho biết.

Không riêng huyện Tương Dương mà tình trạng XKLĐ “chui” cũng rất đáng báo động trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện Nghệ An có trên 22.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại các nước, đứng thứ 16 cả nước.

Cũng như tỉnh Nghệ An, ở nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng XKLĐ “chui” đang diễn biến rất phức tạp. Tại Lạng Sơn, theo báo cáo của ngành chức năng, trong năm 2017 có khoảng 21.542 lượt người xuất cảnh trái phép qua biên giới. Phía Trung Quốc đã bắt giữ, trao trả về Việt Nam 141 trường hợp. Còn tỉnh Yên Bái, trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 220 vụ xuất cảnh trái phép; những tháng đầu năm 2018 là hơn 60 vụ.

việc làm Nỗi đau của gia đình một nạn nhân ở Tương Dương (Nghệ An) trong vụ 21 lao động xuất cảnh “chui” sang Đài Loan bị chìm tàu cuối tháng 2/2017.

Nhiều hệ lụy

Anh Vi Văn Muôn ở xã Lưu Kiền cho biết: Vì hoàn cảnh gia đình nên năm 2017 nghe theo lời giới thiệu từ bạn bè nên anh sang Trung Quốc để làm ăn. Vì không đủ giấy tờ hợp pháp nên luôn phải sống trong cảnh chui lủi vì sợ bị bắt, chủ lao động lợi dụng điều này nên đã bóc lột sức lao động, không trả công đầy đủ cùng với đó là đối xử với mình như nô lệ… Sau 01 năm mình phải trốn về mà trong tay không có đồng nào… Nhưng được trở về an toàn như anh Muôn đã là may mắn. Đã có không ít lao động xuất cảnh “chui” không còn có cơ hội trở về bản quán.

Vào cuối tháng 2/2017, một nhóm lao động gồm 21 người ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Giang và Hải Phòng, thông qua một người môi giới đã sang Trung Quốc lao động bằng con đường không chính thống, với giá từ 40-50 triệu đồng/người. Sau khi sang Trung Quốc, nhóm người này mua 1 con tàu biển cũ để đi sang vùng lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, khi ra giữa eo biển ở Chu Hải thì gặp nạn vào ngày 31/3 nên cả 21 người đã vùi thân giữa biển cả mênh mông.

Vì sao XKLĐ “chui” có nhiều hệ lụy dù đã được cảnh báo nhưng vẫn cứ “lên ngôi”; còn đi làm việc ở nước ngoài theo con đường chính thống lại rất ì ạch? Qua tìm hiểu nguyên nhân số lao động xuất khẩu qua đường chính ngạch ở các huyện miền núi là do nhận thức về việc xuất khẩu lao động của người dân còn hạn chế.

Bên cạnh đó khi tham gia XKLĐ chính ngạch cần số tiền vốn lớn, phải qua nhiều thủ tục như học nghề, học tiếng bản địa, mất nhiều thời gian nên gây ra sự chán nản. Ngoài ra không ít trường hợp lao động bị công ty tuyển dụng lừa nên họ thiếu niềm tin….

Chị Lữ Thị Hương, ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) chia sẻ: Cuộc sống khó khăn nên cũng muốn đi XKLĐ ở Đài Loan. Nhưng chị không thể thực hiện được nguyện vọng của mình khi đăng ký làm thủ tục vì cần phải có số tiền hơn 100 triệu đồng, cùng với đó là phải học tiếng mất 3 tháng nhưng lịch đi thì không biết đến bao giờ. Trong xã có bạn rủ sang Trung Quốc nên chị đi theo làm việc. Theo chị Hương thì sang Trung Quốc chỉ mất tiền tàu xe còn không phải đóng số tiền nào hết…

Chia sẻ của chị Hương cũng là tâm lý của rất nhiều lao động DTTS hiện nay. Chính sách hỗ trợ XKLĐ dù đã “thông” nhưng chưa “thoáng”. Hơn nữa, với đại đa số lao động người DTTS, với tâm lý không muốn xa rời bản quán thì tìm được việc làm, có thu nhập ổn định ngay trên quê hương mình mới là điều họ mong muốn.

Vậy phải có những giải pháp nào để giải quyết được việc làm cho lao động DTTS. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh trong số báo tiếp theo.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.