Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Phiên họp thứ 15 của UBTV Quốc hội: Cho ý kiến với Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022

PV - 20:17, 14/09/2022

Cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Hồ Long)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: Hồ Long)

Cử tri đánh giá cao các hoạt động của Quốc hội thời gian qua

Chiều 14/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022.

Trình bày Báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và hoan nghênh hoạt động của UBTV Quốc hội trong thời gian qua, nhất là tại Phiên họp thứ 14 của UBTV Quốc hội đã tổ chức chất vấn về một số vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống của Nhân dân được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm và tin tưởng việc chất vấn tại các phiên họp của UBTV Quốc hội sẽ đem lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực, khắc phục được những hạn chế trong các lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. (Ảnh: Hồ Long)
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. (Ảnh: Hồ Long)

Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc UBTV Quốc hội đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới. Trong đó, có nhiều vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, ý kiến đa dạng, nhiều chiều giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh để bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội.

Bên cạnh đó cũng đánh giá cao việc UBTV Quốc hội đã tiến hành giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTV Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Qua giám sát đã chỉ ra những kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế và kiến nghị giải pháp khắc phục.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về việc mặc dù đã có các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng vẫn xảy ra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản; hiện tượng động đất, tình trạng lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại một số địa phương; xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây nguy cơ lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của Nhân dân; tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp có xu hướng lan rộng…

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2022 của Quốc hội. (Ảnh: Hồ Long)
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2022 của Quốc hội. (Ảnh: Hồ Long)

Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, phản ánh về tình trạng một số cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng bán ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; tình trạng người lao động Việt Nam bị các đối tượng xấu lừa gạt, dụ dỗ; một số trường đại học đã công bố mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2022 - 2023 tăng mạnh so với các năm học trước; việc quản lý dữ liệu thông tin cá nhân người dùng điện thoại di động của các nhà mạng chưa đạt hiệu quả; tình trạng mua bán thông tin cá nhân.

Ngoài ra, cử tri và Nhân dân còn kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng mức hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; đẩy mạnh chất lượng công tác dự báo thời tiết, phòng chống lụt bão, hạn chế tối đa thiệt hại do tình trạng ngập úng xảy ra tại các đô thị và thành phố lớn trước những diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan trong thời gian qua.

Có sự nhận diện về bức tranh chung của toàn xã hội

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, Báo cáo của Ban Dân nguyện đã có nhiều đổi mới, có tính thời sự, kịp thời. Tuy nhiên, để bảo đảm Báo cáo hoàn thiện hơn, đề nghị cần đánh giá về được của kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo đảm đời sống của Nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến.

Trong những kết quả này là vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của Nhà nước và hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng, kịp thời của Quốc hội, UBTV Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc chú trọng hoàn thiện thể chế, mở đường để thúc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt Quốc hội, UBTV Quốc hội thông qua nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng, cơ chế, chính sách, giải pháp chưa từng có trong tiền lệ cho phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù cho địa phương để phát huy tác dụng.

Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: Hồ Long)
Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: Hồ Long)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng là một giải pháp hết sức kịp thời, tác động đến mua bán, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân.

Liên quan đến nội dung cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị nên rà soát, bổ sung một số vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh tuy có phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương là trung tâm công nghiệp của đất nước và một số ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch…

Thứ hai, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, giải ngân đầu tư công chung của cả nước và nhiều địa phương còn thấp, dưới 40%. Giải ngân đầu tư công đòi hỏi phải tập trung quyết liệt để bảo đảm tăng trưởng và phát triển đất nước.

Thứ ba, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ tư, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo còn gặp nhiều thách thức.

Thứ năm, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều thách thức, nhất là quản lý mạng xã hội.

Thứ sáu, tình trạng thiên tai bão lũ diễn biến bất thường, trái quy luật, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất kinh doanh.

Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần bổ sung đầy đủ để có sự nhận diện về bức tranh chung của toàn xã hội, tâm tư, tình cảm của cử tri và Nhân dân.

Về tiếp công dân và khiếu nại của công dân thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở cơ quan nhà nước ở địa phương không nhiều, tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định, không có tình huống phức tạp xảy ra, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các cơ quan liên quan không được chủ quan, phải làm tốt công tác dự báo kèm theo những giải pháp để tình hình khiếu kiện ở 63 tỉnh, thành phố chủ động có phương án giải quyết những “điểm nóng”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, vì đây là nội dung hết sức quan trọng. Cùng với đó, phải thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, đúng đối tượng về hoạt động chính trị - xã hội, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần được tăng cường hơn nữa; chú trọng tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giám sát.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, UBTV Quốc hội yêu cầu Báo cáo cần bổ sung đánh giá kết quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã có chuyển biến, khẳng định sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò của Quốc hội, UBTV Quốc hội; bổ sung kiến nghị của Chính phủ về việc đánh giá toàn diện việc mua, bán người và có biện pháp ngăn chặn.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, không chủ quan, có dự báo tình hình về khiếu nại tố cáo, an ninh trật tự, tăng cường giáo dục, thông tin về kinh tế - xã hội và chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương thực hiện tốt công tác dân chủ cơ sở và tham gia giám sát để thực hiện tốt công tác dân nguyện. Ban Dân nguyện tập trung đôn đốc kiến nghị của cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ Ba, phối hợp chuẩn bị cùng Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị nội dung trong việc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Quốc hội, UBTV Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chuyên trách trước Kỳ họp thứ Tư tới.

Tin cùng chuyên mục
Đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Sáng 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm, dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và khánh thành “Dự án tăng cường năng lực đào tạo, khoa học công nghệ” từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới.