Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

Phim chiếu trên mạng: Kiểm duyệt lỏng lẻo - Hệ lụy khó lường

Hồng Phúc - 13:03, 19/10/2021

Sự bùng nổ của phim chiếu mạng cả trong nước lẫn xuyên biên giới, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, đặc biệt là quản lý nội dung. Đáng lo ngại là khi phim chiếu rạp chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), phim truyền hình chịu sự kiểm duyệt của các đài truyền hình, thì phim chiếu trên mạng gần như không chịu một sự kiểm soát nào.

Các phim chiếu mạng khai thác nhiều về chủ đề giang hồ, xã hội đen mà hiện chưa có quy định quản lý, chế tài nào. (Trong ảnh: Phim Thiếu niên giang hồ thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên Youtube)
Các phim chiếu trên mạng khai thác nhiều về chủ đề giang hồ, xã hội đen mà hiện chưa có quy định quản lý, chế tài nào. (Trong ảnh: Phim Thiếu niên giang hồ thu hút hơn 5 triệu lượt xem trên Youtube)

“Sạn to, sạn bé” đều có

Hàng loạt phim Việt Nam về chủ đề giang hồ, xã hội đen đang "nở rộ" trên YouTube, như "Thiếu niên ra giang hồ", "Vi cá tiền truyện", "Người trong giang hồ", "Trật tự mới", "Dẹp loạn giang hồ", "Thợ săn giang hồ", "Thập tứ cô nương", "Tương sinh tương khắc", "Bi Long đại ca"... đã xuất hiện, mỗi phim thu hút đến vài triệu lượt xem. Đa phần các phim này có nhiều cảnh đánh đấm, hút thuốc, lời thoại cởi mở đậm chất giang hồ. Những loại phim này dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, đặc biệt là giới trẻ.

Nếu phim Việt Nam gây ra sự lo lắng bởi những nội dung thiếu lành mạnh, thì phim nước ngoài được một số ứng dụng mua bản quyền phát sóng còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn, khi xuyên tạc văn hóa, thậm chí lịch sử Việt Nam.

Mới đây, vào ngày 15/9, ở tập 13 của phim "Nhất sinh nhất thế" (Một đời một kiếp) khi phát sóng trên nền tảng iQiyi Việt Nam, có một phân đoạn phim cho thấy hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trên bản đồ của nhân vật. Sau khi phát hiện ra vấn đề trong phim, hàng loạt khán giả đã lên án, tẩy chay, cho biết sẽ không xem nữa.

Không chỉ lần này, mà trước đây từng có nhiều phim Trung Quốc cũng “cài cắm” hình ảnh "đường lưỡi bò" và những chi tiết khẳng định chủ quyền sai lệch. Điều này thực sự đáng lên án và khán giả Việt Nam đều quyết bài trừ các phim có chứa bản đồ "đường lưỡi bò" mỗi lần phát hiện.

Một tập phim Thợ săn giang hồ thu hút gần 4 triệu lượt xem, thậm chí còn được dịch sang tiếng Anh.
Một tập phim Thợ săn giang hồ thu hút gần 4 triệu lượt xem, thậm chí còn được dịch sang tiếng Anh.

Hiện nay, tại Việt Nam có hàng loạt các ứng dụng để xem phim chiếu trên mạng như Netflix, Apple TV+, Prime Video, Viki, Galaxy Play, FPT Play, Zing TV, MyTVNet... Có thể nói nhu cầu sử dụng ứng dụng xem phim chiếu trên mạng đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập Internet tại các hộ gia đình. Và, điều này khiến thị trường phim chiếu trên mạng đang diễn ra ngày càng sôi động.

Theo đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Lê Mạnh, thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ quy định, nên đã đem lại rủi ro cho người sử dụng tại Việt Nam. Do các nội dung không được biên tập, kiểm duyệt, nên đã có xuất hiện nội dung vi phạm nghiêm trọng các điều cấm tại Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, xuyên tạc lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm sai lệch chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt các nội dung xấu độc gây hại đến trẻ em…

Khoảng trống pháp lý

Chỉ với chiếc điện thoại hay máy tính kết nối mạng, thì dù ở bất cứ đâu, công chúng đều có thể tiếp cận sản phẩm giải trí theo nhu cầu của mình, kể cả xem những bộ phim mới nhất, mà không gặp bất cứ rào cản nào về  khoảng cách biên giới, địa lý, thành thị hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 11/2020, Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xem trực tuyến, với khoảng 14 triệu thuê bao và có tổng doanh thu lên tới 9.000 tỷ đồng. Trong đó dẫn đầu là nền tảng Netflix, có tới 200 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, trong đó tại Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người dùng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội, việc lan truyền các sản phẩm văn hóa chưa bao giờ trở nên dễ dàng như hiện nay. Đặc biệt, nó đã trở thành trào lưu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Thế nên, nỗi lo về những hệ lụy nghiêm trọng gây ra cho văn hóa, điện ảnh, công chúng là có cơ sở. Bởi nếu phim chiếu trên Youtube còn chịu sự kiểm duyệt của mạng xã hội này, dù vẫn bị các chuyên gia đánh giá là lỏng lẻo, thì phim chiếu trên các nền tảng mạng xã hội khác hiện nay chưa hề được kiểm duyệt bởi cơ quan nào, mà vẫn đang nằm trong “dự thảo”.

Anh Lê Tiến Tuấn, một phụ huynh chia sẻ: “Tôi thấy cháu hay xem phim trên mạng chứ ít khi xem trên Tivi. Có lần thấy cháu xem phim có nhiều cảnh bạo lực, hoặc nội dung rất nhảm nhí khi nhân vật nói năng thiếu chuẩn mực. Tôi rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến cháu. Nhưng ngoài việc nhắc nhở cháu, thì gia đình cũng chưa tìm được giải pháp gì”.

Thực tế, trên mạng, người dùng tự do, thoải mái tiếp cận các nội dung phim theo ý thích, nên các phim trên mạng rất khó để kiểm soát đối tượng khán giả thưởng thức, không giống phim điện ảnh hoặc truyền hình có phân loại độ tuổi, khung giờ phát sóng phù hợp và những cảnh báo rõ ràng bằng chữ ở mỗi đầu tập phim. Đây là mối lo ngại lớn, cần được siết chặt quản lý, để giảm bớt những ảnh hưởng có thể có đối với khán giả trẻ.

Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2009), mới chỉ đề cập tương đối hạn chế và có phần còn sơ sài về việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát nội dung của phim chiếu mạng vẫn nằm trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 2 phương án được đưa ra, là hậu kiểm và tiền kiểm.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc đề xuất, điều chỉnh các điều khoản chặt chẽ trong Luật Điện ảnh và quy định pháp luật liên quan nhằm quản lý phim chiếu trên mạng là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

"Cần sớm có quy định để đưa hoạt động sản xuất, phổ biến phim trên môi trường mạng vào các chế tài pháp lý. Từ đó, bảo đảm nội dung được lan truyền sẽ không vi phạm quy định pháp luật, hay gây tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả, đặc biệt là giới trẻ - bộ phận chịu "ảnh hưởng" từ các nền tảng mạng xã hội nhiều nhất hiện nay. Việc làm này cũng tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình phim", luật sư Trần Xuân Tiền nói.