Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Du lịch tỉnh Quảng Ngãi – Bản hòa ca rừng và biển

Ngọc Chí - 10:04, 25/07/2025

Sau hợp nhất, tỉnh Quảng Ngãi là nơi hội tụ của đa sắc màu văn hóa các dân tộc; giữa vùng núi cao nguyên, đồng bằng và biển đảo. Những tiềm năng, lợi thế đó đang được tỉnh định hướng để đưa ngành du lịch cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ là lợi thế để tỉnh Quảng Ngãi phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Ảnh: Ngọc Chí
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ là lợi thế để tỉnh Quảng Ngãi phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Ảnh: Ngọc Chí

Bản hòa ca rừng và biển

Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi có hệ sinh thái vô cùng phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ và biển đảo hoang sơ; có đường biên giới dài hơn 292 km và Cột mốc ba biên nơi ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia; 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, với những giá trị văn hóa đặc sắc còn lưu giữ. Những yếu tố đó làm cho Quảng Ngãi được biết đến như vùng đất của thiên nhiên, văn hóa, lễ hội, nơi mà đất và người hòa quyện, bình yên, khoáng đạt đến vô cùng.

Không gian chợ đêm Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi luôn thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Ngọc Chí
Không gian chợ đêm Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi luôn thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Ngọc Chí

Nằm ở độ cao hơn 1.200m, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với khí hậu quanh năm mát mẻ, rừng thông, thác nước và văn hóa đặc sắc đồng bào DTTS đã khẳng định được thương hiệu riêng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Xã đã tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng riêng, trọng tâm là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, thể thao, khám phá. Toàn xã có 07 điểm du lịch được tỉnh công nhận, 143 cơ sở lưu trú; có 02 làng du lịch cộng đồng tại thôn Kon Pring, thôn Vi Rơ Ngheo được công nhận và đang dần hình thành 02 làng du lịch công đồng mang đặc trưng riêng.

Đặc khu Lý Sơn với cảnh quan thiên nhiên kỳ bí, mê hoặc lòng người
Đặc khu Lý Sơn với cảnh quan thiên nhiên kỳ bí, mê hoặc lòng người

Từ cao nguyên Măng Đen, xuôi theo quốc lộ 24, vượt qua cung đường với những rừng thông vi vu trong gió sẽ đến với vùng biển đảo mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Tỉnh Quảng Ngãi hiện sở hữu nhiều bãi biển đẹp như: Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Châu Tân, Bình Thạnh… Đặc biệt, đảo Lý Sơn, với địa hình núi lửa độc đáo, hệ sinh thái biển phong phú, cùng các di sản văn hóa đặc sắc sẽ là điểm đến thú vị của du khách.

Giờ đây, Quảng Ngãi hội tụ đầy đủ các yếu tố biển – rừng – núi – biên giới và bản sắc văn hóa độc đáo để phát triển du lịch. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm tỉnh Quảng Ngãi thu hút gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu gần 1.700 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ đón 5,9 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Đưa ngành du lịch cất cánh

Tỉnh Quảng Ngãi sau khi hợp nhất với tỉnh Kon Tum đã bước sang giai đoạn phát triển mới với không gian rộng mở, tầm nhìn chiến lược sâu rộng và tiềm năng du lịch đa dạng, đặc sắc chưa từng có. Trước những lợi thế đó, tỉnh Quảng Ngãi xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, sinh kế người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cột mốc biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia là một trong lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Chí
Cột mốc biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia là một trong lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Chí

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Tỉnh đang hướng tới mục tiêu quan trọng là tăng cường gắn kết, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, mở rộng không gian du lịch, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc, riêng biệt, mang đậm bản sắc Quảng Ngãi. 

Đó sẽ là những sản phẩm vừa tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, chiều sâu văn hóa, vừa để lại ấn tượng sâu đậm, giúp du khách có được những trải nghiệm đáng nhớ, những ký ức đẹp khi đến với mảnh đất này.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ để tạo bước đột phá cho ngành du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo đặc sắc; xây dựng Khu du lịch Măng Đen trở thành điểm đến sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia. Đây là hai địa bàn có vai trò then chốt, giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

Với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống và những giá trị văn hóa đặc sắc, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Chí
Với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống và những giá trị văn hóa đặc sắc, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Chí

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng tinh thần cầu thị, sáng tạo và hành động; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược và tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, năng động, đồng hành đến cùng với từng sáng kiến, dự án. Tỉnh mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Quảng Ngãi – vùng đất đang mở ra không gian phát triển mới, giàu cơ hội, nhiều tiềm năng.

“Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, với sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Quảng Ngãi sẽ sớm khẳng định vị thế, vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng, giàu bản sắc, đầy sức hút, vươn tầm trong khu vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”, bà Y Ngọc chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Đền thờ Po Nit: Nơi hồi sinh ký ức Hoàng tộc Chăm giữa đời thường

Đền thờ Po Nit: Nơi hồi sinh ký ức Hoàng tộc Chăm giữa đời thường

Đền thờ Po Nit, Di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng từ năm 2000, nằm tại thôn Bình Hiếu, xã Bắc Bình, tỉnh Lâm Đồng. Đây là nơi người Chăm địa phương hương khói phụng thờ, hiện do Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp (cũ) Hắc Văn Quang Huy làm Trưởng Ban quản lý.