Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giải trí

Phim kinh dị Việt: Đang dần được “cởi trói”

PV - 15:31, 21/02/2022

Nhắc đến phim kinh dị Việt, nhiều người thường nghĩ đó là những bộ phim nửa vời, chắp vá, hù dọa có phần “ngô nghê”... Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều tác phẩm thuộc thể loại này đã thay đổi hoàn toàn “định kiến” tồn tại bấy lâu nay trong công chúng yêu điện ảnh.

Bộ phim kinh dị Việt “Nhà không bán” được nhiều khán giả lựa chọn để xem trong dịp Tết Nhâm Dần 2022
Bộ phim kinh dị Việt “Nhà không bán” được nhiều khán giả lựa chọn để xem trong dịp Tết Nhâm Dần 2022

Xếp hàng chờ ra rạp

Với cách kể chuyện gay cấn, gai góc, kịch tính và nhịp độ nhanh, dòng phim kinh dị luôn khai thác được tối đa lợi thế của rạp chiếu như âm thanh, ánh sáng…, qua đó mang lại những cảm xúc chân thật cho người xem. Đấy cũng là lý do nhiều tác phẩm của dòng phim này đã từng ghi dấu ấn ở phòng vé, có thể kể đến Lật mặt 4 (117,5 tỉ đồng), Quả tim máu (85 tỉ đồng), Pháp sư mù (59 tỉ đồng), Thất sơn tâm linh (53 tỉ đồng), Bắc kim thang (43 tỉ đồng)… Với những cơ hội, tiềm năng sẵn có, dòng phim kinh dị thuần Việt với những đề tài mới lạ vẫn đang là “mỏ vàng” tiềm ẩn chưa được khai phá hết.

Phim kinh dị cũng không thoát khỏi nỗi niềm chung của điện ảnh Việt trong hai năm qua do Covid-19. Tuy nhiên, khi nhiều dự án phải dời lịch thì năm 2022 vô tình lại trở thành điểm hội tụ của thể loại này. “Xông đất” năm mới là tác phẩm Nhà không bán ra mắt các rạp chiếu vào dịp Tết 2022. Dù doanh thu không xếp vào top, nhưng bộ phim vẫn nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả cùng giới chuyên môn. Ngay sau đó, Chuyện ma gần nhà của đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng đã nhanh chóng ra mắt và liên tục dẫn đầu tại các rạp trên toàn quốc, bỏ xa nhiều đối thủ nội lẫn ngoại. Đây là phim đầu tiên của Việt Nam khai thác đề tài truyền thuyết đô thị, tức là những câu chuyện ma được nhiều người “rỉ tai” nhau, gây ám ảnh người xem.

Với dàn diễn viên tài năng cùng sự dẫn dắt của đạo diễn Lê Văn Kiệt, Bóng đè hứa hẹn sẽ là tác phẩm kinh dị chất lượng mà khán giả có thể kỳ vọng vào tháng 3 tới đây. Dù chưa khởi chiếu tại Việt Nam, phim đã được bán bản quyền sang 25 quốc gia, như một sự bảo chứng về tiềm năng của tác phẩm này trong việc chinh phục khán giả. Hay bộ phim kinh dị tâm lý Người lắng nghe: Lời thì thầm của Khoa Nguyễn cũng tạo được sự chú ý nhờ các giải thưởng quốc tế sẽ ra mắt khán giả Việt vào tháng 3 này. Trước đó, đạo diễn Khoa Nguyễn đã không ngừng mang “đứa con đầu lòng” của mình xuất ngoại và giành được 3 giải thưởng tại LHP quốc tế nghệ thuật châu Á - AFAIFF 2021, đồng thời tiếp tục ghi dấu ở LHP New York với giải thưởng quan trọng Bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất. Đầu tháng 8, LHP ở London tiếp tục gọi tên phim của đạo diễn Khoa Nguyễn với các hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc Hình ảnh xuất sắc. Ngoài ra, nhiều dự án kinh dị cũng đang ở giai đoạn tiền kỳ và sản xuất như: Đảo Độc Đắc - Tử mẫu Thiên Linh Cái, Con Cám, Mười…

Một cảnh trong phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn
Một cảnh trong phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn

Được bật “đèn xanh”

Bên cạnh những bộ phim thành công, đạt doanh thu cao thì cũng có không ít dự án thất bại, “chết yểu” ngay từ khi bước chân ra rạp. Nhiều phim khiến khán giả thất vọng, hụt hẫng bởi đi theo lối mòn là cái kết cố gắng khẳng định không có yếu tố ma mị trong toàn bộ câu chuyện. Cùng với đó, tay nghề của một số đạo diễn còn non, các yếu tố kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, hóa trang, kỹ xảo, bối cảnh… chưa được làm “tới nơi tới chốn”. Phim kinh dị Việt kém phần thu hút một phần cũng do khâu kiểm duyệt phải chỉnh sửa, cắt xén nhiều phân cảnh, sửa đổi kết thúc thành một giấc mơ hoặc ảo tưởng để tránh truyền bá “mê tín dị đoan”. Điều này đã phần nào khiến phim mất đi sự gắn kết giữa các tình tiết, thiếu logic... Ví dụ điển hình là phim Rừng xác sống của đạo diễn Lê Văn Kiệt, Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần… được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng khi đến với người xem bộ phim không còn được nguyên vẹn khi phải cắt bỏ một số chi tiết mấu chốt, quan trọng.

Cứ thế, do nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan, khán giả ngán ngẩm, định kiến với phim kinh dị Việt và họ gần như bỏ rơi, không mấy quan tâm. Tuy nhiên, Chuyện ma gần nhà là một bước đi mới cho thấy Cục Điện ảnh dần “cởi trói” cho thể loại này, khi bộ phim được công chiếu với đầy đủ những cảnh quay táo bạo nhất. Có thể thấy, quá trình duyệt phim của cơ quan chức năng đối với phim kinh dị đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Đạo diễn Trần Hữu Tấn rất vui mừng vì tác phẩm đã “ra rạp trọn vẹn, không bị cắt phân đoạn nào”. Đây chính là động lực để các nhà làm phim Việt mạnh dạn dấn thân, trải nghiệm. Còn đối với những bộ phim đã hoàn thành, thì niềm vui gần như được nhân đôi, khi ê kíp sáng tạo có thể mang “đứa con tinh thần” của mình đến với khán giả một cách tròn trịa nhất.

Dù chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất nhưng thành công mà Chuyện ma gần nhà đạt được sẽ “mở lối” cho điện ảnh Việt nói chung và dòng phim kinh dị nói riêng có những bước tiến dài hơn, xa hơn, mạnh mẽ hơn. 

Tin cùng chuyên mục
11 nữ sinh xuất sắc tranh tài tại Chung kết Hoa khôi Putaleng 2024

11 nữ sinh xuất sắc tranh tài tại Chung kết Hoa khôi Putaleng 2024

Vượt qua nhiều ứng viên sáng giá, 11 thí sinh xuất sắc nhất đã sẵn sàng tranh tài cho ngôi vị Hoa khôi Putaleng 2024. Đêm Chung kết được tổ chức tại khách sạn Mường Thanh, Tp. Lai Châu vào tối 6/10 tới, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều màn trình diễn ấn tượng, để tôn vinh vẻ đẹp, trí tuệ và tài năng của các nữ sinh Lai Châu.