Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Phim truyền hình phía Nam: “Thoát kén” chuyển mình

PV - 08:15, 13/07/2022

Những năm qua, với nội dung và cách làm mới hấp dẫn, phim truyền hình miền Bắc có sự khởi sắc ngoạn mục, trong khi miền Nam vẫn loay hoay, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà đài phía Nam đang dần bắt kịp xu thế khi mạnh dạn làm mới những câu chuyện cũ, mạo hiểm dấn thân để mở ra một trang mới cho mảng phim truyền hình…

Bộ phim “Giấc mơ của mẹ” mang đến những câu chuyện rất đời, rất chân thật dưới mỗi mái nhà Việt
Bộ phim “Giấc mơ của mẹ” mang đến những câu chuyện rất đời, rất chân thật dưới mỗi mái nhà Việt

Có 3 phim truyền hình phía Nam hiện đang lên sóng là Giã từ những đêm hoang (HTV9), Vợ quan (SCTV14) và Nơi ngọn gió ngừng chân (THVL1). Sang tháng 7 này, khán giả tiếp tục đón nhận 2 bộ phim được đầu tư lớn là Giấc mơ của mẹ (phát trên nền tảng VieON) và Trại hoa đỏ (phát trên K+). Đáng chú ý, cả 5 tác phẩm nói trên đều mang những màu sắc khác biệt và có sự đổi mới về mặt nội dung. Bởi trước đây, khi nhắc đến phim truyền hình sản xuất ở phía Nam, khán giả sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh sông nước miền Tây với những tà áo bà ba, thuyền chài, nón lá… Còn nay, nhà đài đã mở rộng nội dung, đổi mới hướng đi để đáp ứng thị hiếu của đông đảo công chúng.

Theo đó, bộ phim Giã từ những đêm hoang sẽ khai thác câu chuyện về thế giới ngầm, đậm chất xã hội nhưng cũng không thiếu những thước phim lãng mạn, thể hiện khát khao yêu thương, hạnh phúc, bình yên; Vợ quan là góc nhìn của dòng chính luận, xoáy sâu vào mặt trái chốn quan trường; Nơi ngọn gió ngừng chân là cuộc chiến tình - tiền dai dẳng và kéo dài qua nhiều thế hệ; Trại hoa đỏ với màu sắc bí ẩn, ly kỳ trở thành điểm nhấn đáng chờ đợi; hay những câu chuyện rất đời, rất thật đang tồn đọng trong các gia đình hiện nay ở Giấc mơ của mẹ

Không quá ngạc nhiên khi 3/5 phim đã và sắp lên sóng là các tác phẩm remake. Giấc mơ của mẹ được làm lại từ một bộ phim truyền hình đình đám năm 2015 là All about My Mom của Hàn Quốc; Vợ quan được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Trung Quốc; Trại hoa đỏ phát triển từ tiểu thuyết trinh thám, kinh dị của nhà văn Di Li. Trước đó, những bộ phim như Gạo nếp gạo tẻ, Cây táo nở hoa… cũng đã rất thành công với hướng đi này. Có thể thấy, dù làm lại nhưng ê kíp sáng tạo đã biến đổi một cách khéo léo, biến câu chuyện trong bản gốc trở nên thuần Việt, chân thật, mang hơi thở thời đại, qua đó khán giả dễ đồng cảm và xem đó là câu chuyện xảy ra ở Việt Nam. Remake đang là một giải pháp cứu cánh bởi phim Việt hiện đang thiếu “bột” để “gột nên hồ” và dĩ nhiên phim truyền hình phía Bắc cũng không nằm ngoài guồng quay ấy.

Ngoài những bộ phim đang trên sóng, thị trường sản xuất phim truyền hình phía Nam hiện cũng sôi động với hàng loạt dự án mới sắp bấm máy, có thể kể đến Mặt trời mùa đông, Vòng xoáy tình thù, Thời mở cửa… Sự khởi sắc của phim truyền hình sau dịch bệnh cũng đã và đang tạo đà cho các nhà làm phim trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, phân khúc phim truyền hình mang tính vùng miền rất rõ nét. Phim có bối cảnh xưa, sông nước miền quê được khán giả miền Tây yêu thích, trong khi phim trên HTV được khán giả miền Đông Nam Bộ, miền Trung... chọn lựa. Giới hạn về ngôn ngữ là một trong những yếu tố khiến phân khúc thị trường trở nên rõ ràng, ví dụ khán giả Bắc không quen, không hiểu những câu từ dân dã, đậm chất Nam Bộ. Vì thế, ngoài việc sản xuất ra những bộ phim hấp dẫn, các nhà đài cần có trách nhiệm xóa mờ đi ranh giới giữa các phân khúc thị trường để tạo sự đa dạng, thu hút khán giả rộng rãi hơn nữa.

Thị trường càng đa dạng sẽ phục vụ được càng nhiều đối tượng người xem và thu hẹp dần khoảng cách giữa phim truyền hình các vùng miền. Chính vì vậy, trong thời gian qua, phía VFC đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với nhà sản xuất phía Nam để mang những tác phẩm phim bối cảnh xưa lên sóng VTV và ngược lại. Những dự án hợp tác có sự tham gia của dàn diễn viên, ê kíp của cả hai miền Nam - Bắc sẽ mở rộng đối tượng và tạo thói quen mới cho khán giả. Có thể thấy, Về nhà đi con, Nhà trọ Balanha, Tình yêu và tham vọng, Cát đỏ... là những điển hình cho sự kết hợp vùng miền thành công. Ngoài ra, VFC cũng tổ chức sản xuất phim giao cho ê kíp phía Nam thực hiện như phim Bán chồng, Yêu trong đau thương, Mộng phù hoa... Qua đó, góp phần xóa nhòa ranh giới cục bộ và tạo sự đa dạng, thu hút nhiều khán giả là điều mà giới nghề nhận định là xu hướng tương lai. Điều này không có nghĩa THVL sẽ ngừng làm phim bối cảnh xưa hay VFC thay đổi hoàn toàn xu hướng làm phim mà chỉ là sự dung hòa nhu cầu bằng những phim thật sự chất lượng, khiến khán giả cả nước cùng mong chờ, đón nhận. 

Tin cùng chuyên mục
Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Hơn 13 nghìn vận động viên tham gia Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long năm 2024

Chiều ngày 16/11, tại TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Lễ khai mạc Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long 2024. Hơn 13 nghìn vận động viên (VĐV), trong đó có hơn 1 nghìn 3 trăm VĐV quốc tế đến từ 55 quốc gia đã sẵn sàng tham gia giải chạy vào ngày 03/11/2024. Đây là mùa giải thứ 10 kể từ khi Giải Marathon Quốc tế Di Sản Hạ Long được tổ chức tại Việt Nam.