Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Phổ cập giáo dục mầm non ở vùng khó: Còn nhiều rào cản và thách thức

Thuý Hồng - 09:32, 02/11/2022

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang gấp rút triển khai Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tuy nhiên, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi đặt ra nhiều thách thức, nhất là đối với địa bàn vùng khó.

Điểm trường mầm non ở bản Ngàm Lồm, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng
Điểm trường mầm non ở bản Ngàm Lồm, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng

Nhiều rào cản

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), số trường vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn (ĐBKK) chiếm tỷ lệ 23% tổng số trường mầm non toàn quốc. Các trường này chủ yếu nằm ở vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, hải đảo. 

Năm 2021, báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, giáo dục mầm non vùng khó khăn có chất lượng còn thấp. Tỷ lệ chuyên cần thấp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp thấp, đặc biệt là lứa tuổi nhà trẻ.

Đặc biệt, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi), gặp phải một số khó khăn do địa bàn trải rộng, nhiều điểm trường lẻ số trẻ ít nên khó bố trí giáo viên đứng lớp; định biên giáo viên/lớp chưa đảm bảo; cơ sở vật chất thiết bị dạy học thiếu.

Đơn cử như tại Lào Cai, là địa phương tiên phong trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Để nâng cao tỉ lệ huy động ở các độ tuổi, tỉnh Lào Cai đã tạo mọi điều kiện, nguồn lực để huy động 27,8% trẻ nhà trẻ, 96,9% trẻ mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thơm, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, mặc dù cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non như, thiếu đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp. Một số trường, lớp mầm non có diện tích hẹp, còn 42 phòng học tạm, mượn và hơn 900 phòng học đã xây dựng từ lâu, nay xuống cấp hoặc chưa đảm bảo quy cách, diện tích quy định.

Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện Đề án phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo sẽ thiếu giáo viên. Cả nước có hơn 75 nghìn giáo viên đang trực tiếp dạy trẻ vùng khó khăn và ĐBKK, đạt tỷ lệ 0,66 giáo viên/lớp. Hiện còn thiếu trên 7 nghìn giáo viên mầm non của riêng vùng này.

Bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) thông tin: còn có một thực tế đang diễn ra là,  những giáo viên mầm non ở vùng ĐBKK đang chịu áp lực về mặt thời gian. Thường các cô phải đến sớm và về muộn, thời gian kéo dài hơn 8 tiếng/ngày. Nhiều nơi, tại các điểm lẻ, chỉ có 1 giáo viên/lớp.

Ngoài ra, giáo viên còn phải kiêm cả nhiệm vụ đón và trả trẻ tại nhà, vì một số phụ huynh không có điều kiện đưa đón con em của họ. Chính vì vậy, giáo viên thiếu thời gian để xây dựng môi trường trong lớp học, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ. Bên cạnh đó, các vùng dDTTS, miền núi do điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội không thuận lợi nên đội ngũ giáo viên thường không ổn định, thiếu giáo viên.

Điển hình như trong năm học 2021-2022, tại xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng vẫn còn 5 điểm trường chưa tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ, nên buổi chiều có nhiều trẻ không đến lớp. Tỷ lệ chuyên cần không cao.

Cô Hà Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Khánh Xuân cho biết: Trường có 10 điểm trường và 13 nhóm lớp, mỗi lớp cách xa điểm chính từ 10-32km. Học sinh của các điểm trường chủ yếu là dân tộc Dao, Mông. Do kinh phí tổ chức bán trú cho trẻ thấp chỉ từ 7-8 ngàn đồng/ngày nên việc xây dựng khẩu phần và thực đơn trong ngày, trong tuần gặp nhiều khó khăn, nhất là các điểm trường xa chợ, xa trung tâm.

“Đa số đội ngũ giáo viên tại các điểm trường chỉ có 1 giáo viên trên lớp, nên rất khó khăn để tổ chức nấu ăn cho trẻ, đòi hỏi phải có nhân lực” cô Mai cho biết.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, hiện mạng lưới trường mầm non mới chỉ thu hút được 54% trẻ em tới trường, còn 46% trẻ em chưa được tiếp cận giáo dục. Cơ sở vật chất đã được quan tâm, tuy nhiên mới có 54,6% phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học tạm, nhờ mượn còn cao.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị tối thiểu, tài liệu, đồ dùng, đồ chơi tại vùng khó khăn còn thiếu thốn; môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học hạn chế, nhất là lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và tăng cường khả năng tiếng Việt cho trẻ.

Một tiết học của học sinh Trường Mầm non Ban Mai, xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Một tiết học của học sinh Trường Mầm non Ban Mai, xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Cần chính sách ưu tiên

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang gấp rút triển khai 2 đề án "Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023 - 2030".

Mục tiêu cụ thể là, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non. đạt 95% vào năm 2025, đạt 97% vào năm 2030.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về 2 dự thảo được tổ chức vào 22/9 tại Hà Nội, đã đưa ra các giải pháp để thực hiện là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho rằng, việc xây dựng 2 đề án trên là rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng phổ cập và duy trì chất lượng giáo dục mầm non. Việc thực hiện 2 đề án, sẽ từng bước củng cố mạng lưới trường, lớp mầm non; tăng tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ở mọi vùng, miền được tiếp cận giáo dục.

Tuy nhiên, để thực hiện được 2 đề án trên, cần phải huy động các nguồn lực xã hội một cách hợp lý. Cùng với đó, cần có chính sách thu hút đào tạo giáo viên mầm non; hỗ trợ giáo viên giảng dạy ở vùng DTTS mà không phải là vùng khó khăn; bổ sung các chính sách cho trẻ nhà trẻ.

TS. Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề  (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: Phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo, là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội, là nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non nhằm cải thiện mức sống; nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non người DTTS nói riêng và giáo viên mầm non nói chung.