Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thanh Hóa: Bước chuyển mới của giáo dục mầm non ở huyện vùng cao Mường Lát

Quỳnh Trâm - 18:32, 27/07/2022

Nhờ các chương trình, chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở miền núi Thanh Hoá, những năm gần đây, chất lượng giáo dục tại các điểm trường đã được nâng lên rõ rệt, từ cơ sở vật chất đến chất lượng dạy và học của thầy trò nơi đây.

Một điểm trường mầm non ở vùng núi khó khăn Thanh Hoá
Một điểm trường mầm non ở vùng núi Thanh Hoá

Thay thế hình ảnh thường nhìn thấy trước kia mỗi khi đến với những huyện miền núi, vùng cao Thanh Hóa là, những ngôi trường với dãy phòng học lợp lá, vách tre, thì giờ đây, là những ngôi trường khang trang, kiên cố và trang trí đẹp mắt, sinh động. 

Đó cũng là hình ảnh về Trường Mầm non Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Tống Thị Ninh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường hiện đang chăm sóc và nuôi dạy trẻ tại 5 điểm trường, chủ yếu là con em các dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 97%.

Cô Ninh đã làm công tác quản lý nhiều năm, sau thời gian hoàn thành xuất sắc vai trò quản lý tại Trường Mầm non Pù Nhi, cô được điều động về Trường Mầm non Nhi Sơn, đến nay được 3 năm. Cô kể, hồi mới nhận nhiệm vụ ở ngôi trường này, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, trang thiết bị dạy học còn đơn sơ, chưa có bếp ăn bán trú, đội ngũ giáo viên chưa thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin,… khiến cô không khỏi trăn trở.

Bên cạnh đó, việc huy động trẻ ra lớp, gặp muôn vàn khó khăn như trẻ được sinh ra nhưng chưa khai sinh, có hộ khẩu tại địa phương, bố mẹ thì lại đi làm ở địa phương khác, trẻ khai sinh tên của người Mông nhưng đi học lại lấy tên khác,…

Với suy nghĩ, để thu hút được trẻ đến trường, trước tiên cần “thay áo” cho ngôi trường, để các em học sinh đảm bảo sức khỏe, được học tập và vui chơi trong môi trường lành mạnh, đầy đủ, cô Ninh đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất trong và ngoài lớp, cũng như tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ. Đến nay, nhà trường đã có bếp ăn bán trú cho trẻ tại điểm trường chính.

Từ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các cô giáo, đến nay tỷ lệ trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đúng độ tuổi luôn đạt 100%. Đặc biệt, chất lượng giáo dục của nhà trường cũng được nâng cao và Trường Mầm non Nhi Sơn, là một trong 3 đơn vị dẫn đầu toàn huyện được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen về thành tích tốt trong dạy và học. Về cơ sở vật chất bên trong và ngoài cũng được đánh giá là 1 trong ba đơn vị tốt nhất huyện.

Sự đổi thay của các điểm trường, không còn những căn nhà lợp lá, vách tre (Phòng học sạch đẹp tại Trường Mầm non Nhi Sơn )
Sự đổi thay của các điểm trường, không còn những căn nhà lợp lá, vách tre (Phòng học sạch đẹp tại Trường Mầm non Nhi Sơn )

Tương tự, những năm gần đây, từ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, ngành giáo dục, trường Mầm non Trung Lý (Mường Lát) cũng xóa bỏ được trường học tranh tre, nứa lá đối với trẻ 5 tuổi, phòng học được xây dựng kiên cố hơn, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo ở mức tối thiểu.

Theo cô Lò Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, công tác phổ cập giáo dục mầm non những năm qua đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. Từ thực hiện theo chương trình đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ được nâng lên rõ rệt, hiện không còn trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. 

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy bậc học mần non, từng bước được nâng cao với số lượng giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học ngày càng tăng, đáp ứng với việc chăm sóc, dạy giỗ các em học sinh.

Năm học 2021-2022, nhà trường có tổng số 595 học sinh, với tỷ lệ trẻ từ 3-5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 95-98%, riêng trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%.

Cô Lò Thị Nguyệt cho hay, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất ở trường, các điểm đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, tuy nhiên vẫn chưa hết khó khăn. Hiện nay trong tổng số 16 điểm trường, thì chỉ có điểm trường chính là tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ. Còn lại các em vẫn phải tự túc mang cơm đến trường. Ngoài ra, hiện nhà trường còn khoảng 10 điểm trường lẻ chưa có điện, đường sá đi lại khó khăn, một số khu còn không có sóng điện thoại, vẫn thiếu đồ chơi cho trẻ ngoài trời...

Một trong những khó khăn nữa đối với nhà trường, là tình trạng thiếu giáo viên, do vậy giáo viên phải làm thêm giờ, nhiều khi tới tận 10 giờ/ngày, trong khi lại không nhận được bất cứ trợ cấp gì

Thông tin về công tác giáo dục mần non của địa phương, ông Lò Văn Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát cho biết, những năm qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn huyện được các cấp, chính quyền, trường học chú trọng. Nhờ đó mà tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường đúng độ tuổi đạt tỷ lệ trên 99%, trong đó riêng trẻ 5 tuổi đạt tỷ lệ 100%.

"Tuy nhiên, Mường Lát là địa bàn còn rất nhiều khó khăn, không riêng gì ngành giáo dục, do vậy chúng tôi hy vọng được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Đặc biệt, với các điểm trường lẻ được quan tâm đầu tư xây dựng nhà công vụ, tổ chức nấu ăn bán trú để đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu”, ông Tuấn nói.