Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phó Chủ tịch nước gặp mặt Đoàn đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc

PV - 20:30, 28/09/2022

Chiều 28/9, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc về dự Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt các gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: VPCTN
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt các gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: VPCTN

Bày tỏ xúc động khi gặp mặt các đại biểu, Phó Chủ tịch nước chia sẻ những khó khăn mà gần 6,2 triệu người khuyết tật phải vượt qua để vươn lên trong cuộc sống. Nhắc lại mong ước tột bậc của Bác Hồ là “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, Phó Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm đến các đối tượng khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiện nay, các chính sách trợ giúp người khuyết tật, trong đó có thanh niên khuyết tật ngày càng sát hơn với yêu cầu, thực tiễn phát triển của đất nước, tiệm cận với những công ước, thông lệ quốc tế về quyền con người, quyền công dân. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, cộng đồng và toàn xã hội. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cộng đồng và toàn xã hội, đó là nghị lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của người khuyết tật Việt Nam, là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu. Ảnh: VPCTN
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu. Ảnh: VPCTN

Ghi nhận, gửi lời cảm ơn các tổ chức, cá nhân, trong thời gian qua luôn đồng hành với những chính sách của Đảng, Nhà nước để trợ giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, Phó Chủ tịch nước biểu dương các hội, đoàn thể chính trị-xã hội, cá nhân ngày càng có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chăm lo, tiếp thêm nghị lực cho người khuyết tật. Trong đó, Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” do Trung ương Đoàn tổ chức từ năm 2013 đến nay đã bình chọn được 140 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, xuất sắc, với cách làm cải tiến, đổi mới, tạo sự lan tỏa trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái, lòng yêu thương, đùm bọc của người dân Việt Nam.

Cho rằng cơ hội để vươn lên hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật vẫn còn những khoảng cách, Phó Chủ tịch nước yêu cầu Trung ương Đoàn ghi nhận, phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý, tinh thần cho người khuyết tật theo lộ trình, kế hoạch cụ thể. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có những đề xuất chính sách cho người khuyết tật ngày càng tốt hơn, thiết thực hơn trên cơ sở nghiên cứu, rà soát kỹ luật, quy định về người khuyết tật, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng, điều kiện sống, sinh hoạt của người khuyết tật cũng như cam kết của Việt Nam trong thực hiện công ước quốc tế về người khuyết tật; trong đó, bao gồm các chính sách về bảo hiểm xã hội đối với người lao động là người khuyết tật; quy định trong thiết kế, xây dựng công trình, hạ tầng cơ sở, vật chất đồng bộ, thuận lợi cho người khuyết tật trong lao động, học tập, vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh…

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chụp ảnh lưu niệm với các gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: VPCTN
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chụp ảnh lưu niệm với các gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: VPCTN

Phó Chủ tịch nước tin tưởng, các đại biểu thanh niên khuyết tật tiếp tục thực hiện được những ước mơ, hoài bão trong cuộc sống, giúp đỡ những người xung quanh, nhất là những người đồng cảnh ngộ cùng vươn lên, lan tỏa tình cảm, lòng yêu thương, nhân ái, xây dựng một xã hội giàu nghị lực, nhân văn, văn minh.

Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022 được tổ chức trong hai ngày 28-29/9 tại Hà Nội. 50 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm nay đang sinh sống, học tập, lao động, công tác tại tất cả các địa bàn trong cả nước từ nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa đến khu vực đô thị; thuộc mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội; trong đó có 7 đại biểu là người dân tộc thiểu số, thuộc 5 dân tộc Nùng, Tày, Giẻ Chiêng, Mường, Khùa (dân tộc Bru - Vân Kiều)./.

Tin cùng chuyên mục
Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí

Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí

Đây là nội dung được ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị "Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững" khu vực phía Bắc, diễn ra sáng 22/11 tại Hà Nội, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.