Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi: Xem xét điều chỉnh một số nội dung, cơ chế để nâng cao hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Như Tâm - 14:01, 26/12/2024

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719)", tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, một số khó khăn vẫn còn tồn tại, đòi hỏi cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ. Dưới đây là nội dung phóng viên (PV) Báo Dân tộc và Phát triển trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, về những vấn đề liên quan.

Ông Nguyễn Văn Khởi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

PV: Xin ông cho biết một số nét cơ bản về tình hình vùng đồng bào DTTS của tỉnh Sóc Trăng, những kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng?

Ông Nguyễn Văn Khởi: Sóc Trăng là tỉnh còn nhiều khó khăn, với số lượng lớn đồng bào DTTS, đông nhất là dân tộc Khmer. Ngay từ đầu triển khai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719, qua đó sớm phát huy hiệu quả. Diện mạo vùng đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt với hệ thống hạ tầng cơ bản hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Nguồn vốn được đấu tư thực hiện giai đoạn 2021-2025 là 1.357 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 793 tỷ đồng (đạt 77,33% kế hoạch). Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đạt gần 63,8 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1.500 lượt hộ vay để xây dựng nhà ở và chuyển đổi nghề.

Đến nay, đã hoàn thành 12/24 mục tiêu cụ thể, các mục tiêu còn lại đang được triển khai đúng lộ trình. Những kết quả này không chỉ thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS mà còn giúp đồng bào nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần.

Từ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, hệ thống Trường DTNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được nâng cấp, sửa chữa
Từ nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, hệ thống Trường DTNT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được nâng cấp, sửa chữa

PV: Hiện nay, Sóc Trăng đã và đang làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực Chương trình MTQG 1719 thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khởi: Dựa trên mục tiêu của Chương trình và các quy định, văn bản hướng dẫn, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự đồng thuận của Nhân dân, Ban Chỉ đạo, ban hành nghị quyết và xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể với lộ trình và giải pháp rõ ràng cho từng ngành, từng địa phương. Qua đó, lựa chọn các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên để tập trung chỉ đạo, bố trí đủ nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu chương trình.

Tăng cường công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát, và đánh giá được chú trọng, qua đó, tạo sự đồng thuận, phấn khởi trong Nhân dân. Đồng thời, huy động, phát huy vai trò, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, trong việc đồng hành cùng chính quyền triển khai đồng bộ các giải pháp.

Tỉnh cũng quan tâm tổ chức họp định kỳ và đột xuất để đánh giá, rà soát tiến độ thực hiện. Xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, hỗ trợ các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả các nội dung chương trình, đảm bảo ổn định sản xuất và nâng cao đời sống đồng bào vùng DTTS.

Nhiều tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 sớm phát huy hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng
Nhiều tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 sớm phát huy hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng

PV: Xin ông cho biết, hiện nay việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, khó khăn gì?

Ông Nguyễn Văn Khởi: Cũng như trình bày phía trên, Sóc Trăng xác định Chương trình MTQG 1719 là một chương trình lớn, có ý nghĩa sâu sắc đối với vùng đồng bào DTTS, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, đồng bào các dân tộc có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững. Chương trình nhận được sự đồng thuận từ phía Nhân dân, cùng sự phối hợp thống nhất, đoàn kết của toàn hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chương trình cũng đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể: Văn bản hướng dẫn thực hiện một số dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần ban hành chậm, thiếu đồng bộ, cụ thể và thống nhất, gây khó khăn trong quá trình triển khai. Việc điều chỉnh nguồn vốn theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ giải ngân vào cuối năm. 

Bên cạnh đó, do chưa có hướng dẫn nội dung thi đua trong thực hiện Chương trình, tỉnh chưa thể phát động và tổ chức phong trào thi đua trên địa bàn. Chưa ban hành văn bản hướng dẫn nội dung chi cho việc tổ chức hội nghị đánh giá định kỳ (tháng, quý, sơ kết 6 tháng, năm) hoặc hội nghị đột xuất. Điều này gây khó khăn trong việc tháo gỡ vướng mắc và bố trí kinh phí để thực hiện.

Một số nội dung như Tiểu dự án 3 và Dự án 5 còn bất cập. Sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ đặt ra thách thức lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ quản lý và giáo viên, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đối tượng thụ hưởng giảm dần theo từng năm, không đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

PV: Sóc Trăng có kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Khởi: Trước một số vướng mắc như đã kể trên, tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có những giải pháp, phương án để tháo gỡ, đối với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương: Điều chỉnh hỗ trợ nhà ở: Tham mưu Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở lên 60 triệu đồng/hộ để đảm bảo chất lượng nhà ở đạt tiêu chí “3 cứng”; mở rộng đối tượng thụ hưởng (bao gồm hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đồng thời bố trí vốn phù hợp với nhu cầu của địa phương).

Về hỗ trợ sản xuất và đa dạng hóa sinh kế: Bổ sung đối tượng được hỗ trợ thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, cho phép địa phương tự triển khai đào tạo sau đại học và chi trả học phí trực tiếp theo biên lai của cơ sở đào tạo; Cần cụ thể chính sách hỗ trợ học phí và học bổng cho cán bộ DTTS được cử đi học sau đại học trong khuôn khổ Chương trình MTQG 1719; bổ sung "Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vào danh sách đối tượng thụ hưởng kinh phí để hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng và mua sắm trang thiết bị, đảm bảo giải ngân vốn đúng tiến độ.

Đối với Bộ Tài chính cần hướng dẫn chi tiết về phân bổ vốn cho Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4, đặc biệt tỷ lệ vốn dành cho duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng; sửa đổi Thông tư 55/2023/TT-BTC để đồng bộ với Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH và Thông tư 03/2023/TT-BLĐTBXH, đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí; hướng dẫn cụ thể mức chi hỗ trợ sinh viên theo Thông tư 02/2023/TT-UBDT, đặc biệt với sinh viên DTTS đã hoàn thành dự bị đại học. Hiện nay, đa số sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo/cận nghèo theo học cao đẳng hoặc nghề, trong khi sinh viên sư phạm đã nhận hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, gây khó khăn trong triển khai Tiểu dự án 2, Dự án 5.

Với các kiến nghị này của Sóc Trăng, sẽ được xem xét và triển khai kịp thời để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, góp phần cải thiện đời sống đồng bào vùng DTTS và thúc đẩy phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Lan toả khát vọng vươn lên của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS trên con đường đi đến tương lai

Lan toả khát vọng vươn lên của học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS trên con đường đi đến tương lai

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã có nhiều tham mưu cho Đảng, Nhà nước về thực hiện các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có chính sách về giáo dục - đào tạo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế -xã hội ở vùng DTTS và miền núi. Một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực được UBDT chủ trì tổ chức hằng năm là Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên (HSSV) thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu, nhằm khằng định những "trái ngọt" từ thực hiện chính sách đối với giáo dục dân tộc; đồng thời khích lệ, động viên các HSSV, thanh niên là người DTTS đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong rèn luyện, học tập và lao động.