Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phố cổ Đồng Văn: Bảo tồn gắn với phát triển kinh tế

PV - 13:29, 25/05/2018

Phát triển dịch vụ thương mại, du lịch đang là thế mạnh được chính quyền, doanh nghiệp và người dân thị trấn Đồng Văn (trung tâm của huyện Đồng Văn, Hà Giang) phát huy. Đây cũng là giải pháp góp phần tôn tạo bảo tồn phố cổ Đồng Văn, điểm dừng chân trải nghiệm văn hóa và du lịch độc đáo của tỉnh vùng cao núi đá Hà Giang.

Ngày 24/7/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Văn bản số 2378/BVHTTDL-KHTC về việc thẩm định Dự án tu bổ cấp thiết di tích phố cổ Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Dự án được giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư hơn 66 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, vốn ngân sách địa phương và các hộ dân có nhà được tu bổ đóng góp. Dự án có tổng số 31 ngôi nhà cần được tu bổ, cải tạo. Đến năm 2017, về cơ bản những ngôi nhà nằm trong Dự án đã được tu bổ, cải tạo, giúp giải quyết tình trạng nhà xuống cấp có nguy cơ sụp đổ.

Một hộ gia đình làm homestay tại ngôi nhà cổ sau khi được tu bổ, cải tạo. Một hộ gia đình làm homestay tại ngôi nhà cổ sau khi được tu bổ, cải tạo.

 

Bà Lý Thị Dừa, ở tổ 4 thị trấn Đồng Văn, một trong những gia đình nằm trong Dự án được tu bổ chia sẻ: “Từ khi được ở trong ngôi nhà mới, gia đình tôi không còn nơm nớp lo sợ nhà đổ nữa, vì thế cũng yên tâm làm ăn. Dù sống trong ngôi nhà mới, nhưng người dân chúng tôi vẫn giữ được nguyên những phong tục tập quán trước kia như thờ cúng, trang phục… chứ không để mai một”.

Việc phát huy những lợi thế của phố cổ Đồng Văn gắn với bảo tồn nguyên trạng di tích văn hóa đang được chính quyền và người dân thị trấn Đồng Văn chung tay thực hiện. Bởi theo những hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang đầu tư tại đây đều có chung quan điểm phát triển dịch vụ du lịch là cách để phát huy các giá trị phố cổ mang lại.

Bà Tạ Thị Mùi, hộ dân sinh sống lâu năm tại phố cổ chia sẻ: Việc chính quyền thị trấn Đồng Văn khuyến khích người dân phát triển các dịch vụ thương mại, dịch vụ tại phố cổ, chợ cổ Đồng Văn giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đồng thời tạo ra các chuỗi dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm để phục vụ khách du lịch mua sắm và sử dụng các dịch vụ.

Không chỉ phát triển các dịch vụ ăn uống mà nhu cầu lưu trú của khách du lịch cũng tăng cao. Từ năm 2017, nhiều homestay đã được hình thành và bắt đầu đón khách du lịch. Hiện nay, Đồng Văn có 120 hộ làm dịch vụ du lịch cộng đồng, chủ yếu tập trung ở thị trấn Đồng Văn, xã Ma Lé và xã Lũng Cú. Trung bình, mỗi homestay đón được khoảng 20 đến 30 khách/tháng.

Chủ hộ homestay Lương Doanh nằm trong khu phố cổ Đồng Văn cho biết: Hiện nay, nhu cầu lưu trú của khách du lịch rất đơn giản. Lúc mới làm, tôi nghĩ sẽ phải đầu tư trang trí nhà cửa cầu kỳ, nhưng sau khi đón một hai đoàn khách, tôi mới hiểu ra càng bày trí đơn giản, gần gũi với cuộc sống đời thường bao nhiêu, du khách càng cảm thấy thoải mái bấy nhiêu.

Theo chia sẻ của anh Phạm Như Quyền, Công ty Cổ phần Nano Phạm Gia (một trong những doanh nghiệp đang trực tiếp đầu tư vào Hà Giang), việc đầu tư tại ba gian chợ cổ Đồng Văn là một mô hình độc đáo, vừa không can thiệp vào kiến trúc của chợ, nhưng lại là những mảnh ghép sinh động, tạo ra điểm nhấn ấn tượng để thu hút du khách đến với phố cổ Đồng Văn. Qua đó, du khách được thưởng thức các món ăn ngon được chế biến từ thịt bò (thương hiệu nổi tiếng của sản vật Đồng Văn), được thăm quan, mua sắm những sản vật của Đồng Văn trưng bày tại chợ cổ… Với mục tiêu tôn vinh các giá trị văn hóa, sản vật độc đáo của Cao nguyên đá Đồng Văn, thì việc đầu tư này đã góp phần nâng cao giá trị của di sản đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Đồng Văn. Anh Quyền cũng cho biết, nhà hàng, gian trưng bày sản phẩm đã được đưa vào sử dụng trong lễ hội hoa tam giác mạch từ năm 2017, hiện nay đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch khi đến với chợ cổ, phố cổ Đồng Văn.

Có thể thấy, việc gắn phát triển thương mại, dịch vụ du lịch mà các doanh nghiệp, hộ dân tại phố cổ, chợ cổ thị trấn Đồng Văn đã làm gia tăng giá trị của di tích đối với phát triển kinh tế, cung cấp các dịch vụ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đồng Văn. Mô hình nhà hàng, gian trưng bày sản phẩm, hàng lưu niệm của các hộ dân phố cổ, chợ cổ cần được khuyến khích, bởi đây chính là những hạt nhân cung cấp các dịch vụ hữu ích cho phát triển kinh tế du lịch ở thị trấn Đồng Văn nói riêng và du lịch 4 huyện vùng Cao nguyên đá Hà Giang nói chung.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.