Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phó Thủ tướng Thường trực đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 5 tỉnh miền Trung

PV - 21:30, 17/05/2022

Sáng 17/5, tại Trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì cuộc họp với 5 tỉnh miền Trung để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Phó Thủ tướng Thường trực đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 5 tỉnh miền Trung - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Thường trực đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 5 tỉnh miền Trung - Ảnh: VGP/Hải Minh

Dự buổi làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 khoảng trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt trên 18%, ước đạt 22,37% đến ngày 31/5/2022, vì lẽ đó Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 6 tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao cho 5 địa phương dự họp (Quyết định 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 và Quyết định 97/QĐ-TTg ngày 6/12/2021) là khoảng 20.554 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tính đến ngày 30/4, các địa phương mới giải ngân khoảng hơn 2000 tỷ đồng, trong đó tỉnh Nghệ An có tốc độ giải ngân cao nhất, đạt trên 21%, Quảng Bình đạt trên 11%, Thừa Thiên Huế đạt trên 10 %, Quảng Trị đạt gần 10% và Hà Tĩnh đạt gần 6%.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân đối với các dự án chuyển tiếp và các dự án mới; kiến nghị, đề xuất những điều chỉnh về thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đạt mức cao nhất trong năm 2022.

Các ý kiến phát biểu từ địa phương cho thấy, nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp sau Tết; thiếu nguyên vật liệu, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao nên nhiều nhà thầu thi công cầm chừng; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; các dự án ODA vừa phải tuân thủ các thủ tục trong nước vừa phải tuân theo các cam kế của các nhà tài trợ.

Công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của nhiều dự án thực hiện chậm, việc kiểm tra, giám sát thực hiện đối với một số chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa đôn đốc kịp thời, chưa xử lý đối với những trường hợp chậm tiến độ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, do đó Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt và sẽ tổ chức đánh giá tình hình giải ngân vào cuối tháng 6 để có những điều chỉnh phù hợp.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tư pháp tích cực tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến thể chế để thống nhất cách hiểu đối với những quy định mới liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Đánh giá cao lãnh đạo các địa phương cam kết giải ngân hết số vốn được giao, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các địa phương phải có quyết tâm chính trị rất cao trong tổ chức thực hiện, có kế hoạch chi tiết triển khai, quyết liệt chỉ đạo, giám sát, đôn đốc sát sao tất cả các khâu đối với từng dự án.

Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các địa phương phải rà soát, chủ động điều chuyển vốn giữa các dự án; chủ động đề xuất điều chuyển vốn nếu không thể triển khai được; tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong đầu tư công, nếu có bất cập về thể chế thì gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, đề xuất điều chỉnh chung trên cả nước.

Đồng thời, phải giám sát tất cả các quy trình ngay từ khi khảo sát, lập dự án đầu tư để tránh phải điều chỉnh nhiều lần, rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án; bố trí nhân sự có năng lực vào các ban quản lý các dự án; đẩy nhanh tiến độ tạm ứng và thanh toán vừa để các nhà thầu có nguồn lực triển khai dự án, vừa hạn chế tác động tiêu cực từ giá cả nguyên vật liệu leo thang.

Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính phối hợp hướng dẫn tập trung, thống nhất cho các chủ đầu tư về quy trình xin thư không phản đối của các nhà tài trợ nước ngoài khi thực hiện các dự án ODA.

Bộ Tài chính cập nhật thường xuyên, kịp thời khối lượng giải ngân để Chính phủ nắm bắt con số chính xác nhất về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở đó có biện pháp phù hợp.

Ảnh: VGP/Hải Minh
Ảnh: VGP/Hải Minh

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc để tri ân các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của đất nước.

Tại mảnh đất thiêng liêng này, lúc 16h ngày 24/7/1968, Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông "Hậu phương lớn" với "Tiền tuyến lớn" góp phần cho Tổ quốc toàn thắng.

Tên tuổi của các chị mãi mãi được Nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích Anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Bằng máu và tuổi thanh xuân của mình, những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam Anh hùng đã làm nên sự tích chói ngời, để Ngã ba Đồng Lộc trở thành huyền thoại, là địa chỉ đỏ, điểm đến của du khách thập phương, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Tin cùng chuyên mục