Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Lễ tưởng niệm 50 năm đồng bào Sơn Mỹ bị sát hại

PV - 09:37, 19/03/2018

Sáng 16/3, tại Khu Chứng tích Mỹ Lai (Quảng Ngãi), Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi và đông đảo nhân dân đã dự Lễ tưởng niệm 50 năm đồng bào Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) bị lính Mỹ sát hại.

Các đại biểu mặc niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị sát hại. Ảnh: VGP/Lê Sơn Các đại biểu mặc niệm 504 đồng bào Sơn Mỹ bị sát hại. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh: “Đúng ngày này, tại làng quê Sơn Mỹ, 50 năm về trước, ngày 16/3/1968, chỉ trong một buổi sáng, 504 đồng bào Sơn Mỹ, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã vĩnh viễn lìa giã cõi đời một cách bi thương, thảm khốc. Từ ấy, Sơn Mỹ trở thành nỗi đau khôn nguôi của toàn thể nhân dân Việt Nam và những người có lương tri trên Trái đất”.

Sơn Mỹ không phải là vụ việc duy nhất, nhưng là một vụ việc điển hình cho những tội ác dã man mà các thế lực hiếu chiến đã gây ra cho nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, tiêu biểu cho nỗi đau thương tột cùng mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu. Nhìn trên bình diện rộng lớn hơn, thì ngay từ thời ấy, báo chí quốc tế đã ví Sơn Mỹ với Auradour, Guernica, Hiroshima, những vụ thảm sát kinh hoàng trên thế giới.

“Sự thật ở Sơn Mỹ - Mỹ Lai cũng đã được phanh phui và phơi bày qua các nhà báo, những cựu chiến binh như Ronand Ridenhour, Seymour Hersh, Henry Kamm, và hàng nghìn, hàng vạn những người yêu chuộng công lý trên khắp thế giới, trong đó có nhiều người Mỹ, bằng những cách thức khác nhau, đã bày tỏ sự phẫn nộ của lương tri chân chính. Vì thế, giờ đây “Vấn đề Sơn Mỹ” không còn là sự tranh cãi về những gì đã diễn ra, những gì đã được phơi bày, mà là làm thế nào để bóng đen ở Sơn Mỹ, nỗi kinh hoàng ở Mỹ Lai 50 năm trước đây vĩnh viễn không bao giờ lặp lại bất cứ nơi đâu trên trái đất này”, ông Đặng Ngọc Dũng nói.

Sau ngày đất nước hòa bình, người dân Sơn Mỹ đã vượt qua nỗi đau để mở vòng tay bao dung tha thứ, đã chân tình đón tiếp những cựu binh Mỹ tìm về nơi đây như một chốn hành hương, để họ đối diện với sự thật, đối diện với chính mình và tìm thấy sự thanh tẩy tâm hồn ở một miền đất đang hồi sinh. Khép lại quá khứ để cùng hướng đến tương lai, kết thân bè bạn với các quốc gia, các dân tộc trong cùng khát vọng hoà bình, tiến bộ không chỉ là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà còn là lẽ sống, là đạo lý thấm đậm trong cách ứng xử của mỗi người dân Việt, trong đó có những người dân Sơn Mỹ còn mang trên da thịt và cả tâm hồn mình những vết thương chiến tranh.

50 năm trôi qua, từ sâu thẳm lòng mình, chúng ta không một phút nguôi quên những người thân bị sát hại trong ngày 16/3/1968. Nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng là đồng bào Sơn Mỹ và nhân dân Việt Nam đã nén nỗi đau thương tột cùng để có thể đứng vững, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm nhà lưu niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh:VGP/Lê Sơn Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm nhà lưu niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh:VGP/Lê Sơn

 

Sau ngày 30/4/1975, từ một mảnh đất bị tàn phá, cày xới tơi bời trong chiến tranh, ngay sau khi được hít thở bầu không khí hòa bình, được sống trong độc lập, thống nhất, nhân dân Sơn Mỹ đã bắt tay hàn gắn những vết thương chiến tranh, không ngơi nghỉ, chăm chút tạo dựng lại cuộc sống trong vô vàn gian nan vất vả. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự góp sức quý báu của đồng bào cả nước, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự cần cù, chăm chỉ chịu thương chịu khó của đồng bào nơi đây, Sơn Mỹ đã dần dần hồi sinh. Trên mảnh đất yêu thương Tịnh Khê - Sơn Mỹ ngày nay, những trường học, bệnh xá, những công trình phúc lợi dân sinh được xây dựng khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Sơn Mỹ ngày một cải thiện, nâng cao.

Tại mảnh đất này, nơi vụ thảm sát diễn ra đẫm máu năm xưa, Nhà nước đã cho xây dựng Khu Chứng tích và tượng đài Sơn Mỹ, các địa điểm xảy ra thảm sát, các khu mộ tập thể, các di vật còn lại của các nạn nhân cũng được xây dựng, bảo quản tốt, đáp ứng nguyện vọng của bà con Sơn Mỹ - Tịnh Khê cũng như nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Người đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm nạn nhân Sơn Mỹ ngày càng nhiều, năm sau đông hơn năm trước. Điều đó chứng tỏ niềm thương mến, sự cảm thông, chia sẻ với Sơn Mỹ không hề phôi phai theo thời gian, năm tháng.

Tham dự Lễ tưởng niệm hôm nay có đông đảo phóng viên trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế như Tổ chức Madison Quakers Inc. (Mỹ) tại Việt Nam. Đặc biệt là sự tham dự của ông Ronald Haeberle, phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ - tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai gây chấn động thế giới cùng một số cựu binh, giáo viên nghỉ hưu, thợ máy (quốc tịch Mỹ) yêu chuộng hòa bình đến dự lễ tưởng niệm.

50 năm trước, một trung đội lính Mỹ với sự hộ tống và yểm trợ của máy bay đã tràn vào làng Sơn Mỹ. Trong sáng 16/3/1968, họ đã sát hại 504 thường dân vô tội, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Đến tháng 11/1969, vụ thảm sát mới được đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng là Time, Life và Newsweek. Tin tức về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam.

THEO CHÍNH PHỦ