Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phòng chống bệnh nghề nghiệp: Vấn đề cần quan tâm

PV - 09:15, 27/09/2018

Nếu như tai nạn lao động được đo đếm bằng những vụ việc cụ thể thì bệnh nghề nghiệp (BNN) lại là một nguy cơ tiềm tàng. Do đó, để phòng chống BNN cho lao động là một vấn đề cần được quan tâm từ nhiều phía.

phòng chống bệnh nghề nghiệp Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là quy định bắt buộc.

Sau hơn 15 năm làm công nhân khai thác đá ở một mỏ đá tư nhân thuộc huyện Lý Nhân (Hà Nam), thời gian gần đây, anh Lê Văn Th. thấy mình hay ho khan, thậm chí ho ra máu, tức ngực. Anh thường xuyên phải sử dụng kháng sinh, tuy nhiên, những cơn ho khó thở ngày càng kéo dài.

Đầu năm 2018, anh Th. phải ra Bệnh viện Phổi Trung ương tại Hà Nội để khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị mắc bệnh bụi phổi silic-một dạng bệnh phổ biến ở ngành khai thác đá liên quan tới mài, cắt, chế tạo vật liệu xây dựng. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi chủ yếu là do người bệnh tiếp xúc với vật liệu có tính phân tán thành những hạt rất nhỏ, có khả năng xâm nhập vào phổi. Bệnh bụi phổi có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản mãn tính, suy hô hấp hoặc nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi.

Tương tự, trường hợp anh Nông Văn T. quê ở Thái Nguyên, làm công nhân khai thác đá từ nhiều năm nay. Thời gian gần đây, anh xuất hiện các cơn ho, ho nhiều và thậm chí ho ra máu. Anh đã điều trị ở bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ. Khi đi khám tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương, anh T. được bác sĩ cho biết anh bị bệnh bụi phổi nghề nghiệp.

Anh Th., anh T. chỉ là hai trong hàng nghìn lao động bị mắc bệnh phổi nghề nghiệp, chỉ được phát hiện khi sức khỏe đã có vấn đề, phải đến các cơ sở y tế đầu ngành để thăm khám, điều trị. Cùng với bệnh bụi phổi, nhiều BNN khác đang làm hao mòn sức khỏe cũng như nguồn thu nhập ít ỏi của người lao động.

Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), chỉ tính riêng tại cơ sở lao động được quản lý, hiện nay có gần 1,2 triệu lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy hại, nguy hiểm. Trong số gần1,2 triệu trường hợp người lao động đi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế cho thấy, các bệnh thường mắc như: Bệnh về đường hô hấp chiếm 25,6%; bệnh về đường tiêu hóa 16%; bệnh về mắt 6,7%; bệnh cơ xương khớp 8,3%; bệnh về tai 2,32%; bệnh về da 3,45% và bệnh tim mạch 4,23%...

Còn theo khảo sát của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), công nhân khai thác đá quặng, sản xuất thủy tinh-đồ gốm và công nhân dệt may là đối tượng dễ gặp phải các bệnh về bụi phổi. Cùng với đó, công nhân làm việc trong ngành hóa dầu, luyện than, cơ khí, nhựa, da giày, chế biến thủy sản lại có nguy cơ cao mắc các bệnh về da như sạm da, bệnh nốt dầu, viêm loét, viêm móng...

Đã từ lâu, BNN được xác định là những “sát thủ giấu mặt” đối với người lao động. Để bảo vệ sức khỏe cho người lao động, nhiều quy định đã được “luật hóa”, tuy nhiên, việc chấp hành các quy định này vẫn còn mang tính hình thức; không ít doanh nghiệp cố tình “né” quy định, cố tình “quên” quyền lợi của người lao động.

Một trong những quy định hiện hành là các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất một lần/năm; sáu tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, số lao động được khám BNN chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Theo số liệu của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trong tổng số hơn 10 triệu người lao động đang làm việc có đóng BHXH, mỗi năm chỉ có khoảng 100 nghìn lượt lao động được khám BNN, chiếm tỷ lệ chưa đến 10%. Trong số hơn 6.000 trường hợp được phát hiện BNN mỗi năm, chỉ có hơn 500 trường hợp được giám định để hưởng chế độ bảo hiểm, chiếm chưa đến 10% tổng số người phát hiện bệnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia về an toàn lao động, để tiến tới giảm dần tỷ lệ người lao động mắc BNN, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền cho người sử dụng lao động và người lao động biết những tiềm ẩn nguy hại do BNN gây ra, các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa việc đăng ký khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Điều quan trọng là phải có chế tài đủ sức răn đe để xử lý các doanh nghiệp cố tình trốn tránh, không quan tâm đến sức khỏe, quyền lợi của người lao động.

CAM DIỆP