Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Phóng viên viết bài điều tra, phản biện – nghề nguy hiểm!

Tuấn Trình - 18:03, 16/06/2021

Chuyện phóng viên viết bài điều tra, phản biện bị đối tượng điều tra từ chối cung cấp thông tin, bị tấn công bằng vũ lực xâm hại đến tính mạng… Và đặc biệt là bị đối tượng dùng tiền mua chuộc, hoặc cài bẫy, dụ vào các tình huống dẫn đến sai phạm để khống chế ngược, đã và đang xảy ra rất nhiều trong những năm qua. Mặc dù vậy, mảng đề tài phản biện, điều tra vẫn luôn thu hút hàng nghìn phóng viên dấn thân để có những tác phẩm hay và có ích cho xã hội.

Dù gian nan, vất vả nhưng đội ngũ phóng viên báo chí cách mạng vẫn yêu nghề, dấn thân để có những tác phẩm có ích cho xã hội (Ảnh minh họa)
Dù gian nan, vất vả nhưng đội ngũ phóng viên báo chí cách mạng vẫn yêu nghề, dấn thân để có những tác phẩm có ích cho xã hội (Ảnh minh họa)

Trong “Làng báo” rất nhiều người biết Nhà báo, Trung tá Đào Trung Hiếu, hiện đang công tác tại Báo Công an Nhân dân. Anh nổi tiếng bởi các bài viết phản biện và điều tra. Ngoài ra, anh còn là chuyên gia tội phạm học. 

Trước khi rẽ ngang sang nghề báo, Trung tá Đào Trung Hiếu có gần 20 năm lăn lộn với nghề Cảnh sát hình sự. Từ nền móng là dân điều tra, nên anh đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm khi tham gia tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí điều tra, phản biện. Anh có hàng trăm bài viết được bạn đọc đánh giá cao. 

Những bài viết đầy chất “hình sự” của Đào Trung Hiếu đã tạo niềm tin cho bạn đọc về một xã hội tốt đẹp hơn. Nhiều người tìm đến anh, cung cấp thông tin để anh điều tra, xác minh và cho ra đời những tác phẩm hay, có tiếng vang trong dư luận xã hội.

Nhà báo Đào Trung Hiếu chia sẻ: Là phóng viên điều tra thì phải có bản lĩnh, phải mong muốn bảo vệ các giá trị hướng thiện thông qua hoạt động nghiệp vụ báo chí, luôn quyết tâm đưa ra ánh sáng những vụ việc xâm phạm trật tự, pháp luật, lợi ích của cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội. Có bản lĩnh đương đầu với thử thách, không bị lung lạc trước các lợi ích vật chất. Phải làm chủ các thông tin cần thiết cho cuộc điều tra, am hiểu các vấn đề xã hội, nắm vững vấn đề cần điều tra. Và có đủ bản lĩnh từ chối những lợi ích vật chất mà đối tượng bị điều tra đưa ra, luôn cảnh giác và tỉnh táo trước những cạm bẫy…

Nhà báo Đào Trung Hiếu kể, trong quá trình tác nghiệp, anh đã từng nhiều lần bị đe dọa, thậm chí là dọa giết, như lần đi xác minh thông tin về trùm cho vay lãi nặng tại Hải Dương. Hay khi thực hiện loạt bài về buôn lậu tại biên giới. Để có chứng cứ và những hình ảnh quan trọng thể hiện thuyết phục trong bài viết, nhà báo Đào Trung Hiếu đã bất chấp nguy hiểm tìm mọi biện pháp tiếp cận đối tượng điều tra. Anh đã cải trang thành ngư dân đánh cá, lênh đênh trên biển gần 1 tháng trời, ra gần phao số 0 để chứng kiến hoạt động buôn lậu bằng các ca nô cao tốc.

Nhìn từ các vụ phóng viên bị bắt do vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật như: sách nhiễu, đòi hối lộ, cưỡng đoạt tài sản…,nhà báo Đào Trung Hiếu cho biết, phóng viên phải luôn ý thức kiểm soát bản thân mình, không tự đẩy mình vào các tình huống nguy hiểm và tránh xa các nguy cơ sai phạm, luôn giữ phẩm chất của người làm báo chân chính.

Một nhà báo cũng rất nổi tiếng về mảng đề tài điều tra, đó là nhà báo Đỗ Văn Khanh, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn Pháp luật - Bạn đọc, Báo Lao động. Nhà báo Đỗ Văn Khanh có 18 năm công tác tại Báo Lao động. Những loạt bài viết điều tra của anh đăng trên Báo Lao Động từng gây xôn xao dư luận như: “Nhận án tù vì… nấu cháo trong sân UBND xã”, "Gian nan theo dấu tướng cướp", “Cục Đường thủy nội địa “dán bùa” cho cát tặc trá hình”… 

PV báo Nông thôn ngày nay bị một đối tượng lạ mặt đánh, dùng dao uy hiếp, dọa giết khi đang tác nghiệp.
Phóng viên Báo Nông thôn ngày nay bị một đối tượng lạ mặt đánh, dùng dao uy hiếp, dọa giết khi đang tác nghiệp.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, sau những bài báo đó là bao nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy. Để có tư liệu cho những bài điều tra, Đỗ Văn Khanh phải đóng nhiều vai khác nhau như: Làm bốc vác, phụ xe tải, làm xe ôm và đôi khi anh còn đóng vai cả “Đại gia chân đất”…

Nhà báo Đỗ Văn Khanh nhìn nhận, điều tra là một thể loại được đánh giá là khó của báo chí. Đây là một thể loại được nghiên cứu, giảng dạy sâu trong các trường đào tạo nghề báo.

 Trong thể loại điều tra báo chí có 2 mảng chính: Một là những sai phạm mà người phóng viên có thể nhìn, quan sát bằng mắt thấy tai nghe trực tiếp. Để xử lý những đề tài này, cần phóng viên có khả năng nhập vai, sử dụng các thiết bị lấy chứng cứ. Hai là, những sai phạm liên quan đến hồ sơ. Những đề tài này rất phong phú từ án oan, hồ sơ sai phạm trong xây dựng, tham nhũng… Để xử lý những đề tài này, cần khả năng phân tích hồ sơ, thẩm định chứng cứ và tác nghiệp thực tế để làm sống lại bộ hồ sơ khô cứng đó.

Do vậy, điều cần thiết của một phóng viên viết mảng điều tra, đó là nghiệp vụ và bản lĩnh. Có nghiệp vụ (trình độ pháp luật, hiểu biết lĩnh vực về đề tài thực hiện) người phóng viên dễ dàng đánh giá tính chất, tầm cỡ sai phạm… Thông tin mà phóng viên điều tra có được, thường sẽ có người sẵn sàng trả giá để “mua”, để bài không lên trang hoặc gỡ bài đã đăng. Người phóng viên điều tra khi nắm trong tay những thông tin “độc quyền” về sai phạm nghiêm trọng, cũng là nắm trong tay một “quyền lực”. Vì vậy, ranh giới giữa giữ vững khả năng tác nghiệp hay “tống tiền” đối tượng là rất mong manh khi lòng tham trỗi dậy - Nhà báo Đỗ Văn Khanh chia sẻ.

Trong thể loại báo chí điều tra, đối với người viết điều tra, khó nhất vẫn là khâu thu thập tư liệu và tiếp cận sự kiện, nhân vật. Mục tiêu cuối cùng của phóng viên, vẫn là có đủ thông tin và bằng chứng, để xác định rõ sự thật của sự việc tiêu cực trước khi viết bài. Đã có không ít nhà báo vấp ngã, không tránh khỏi cám dỗ để rồi bán rẻ lương tâm. Bên cạnh đức tính trung thực, dũng cảm, dám dấn thân, phóng viên điều tra cần phải “có nghề”. Đó là kỹ năng tác nghiệp và bản lĩnh tự bảo vệ mình.

Tại Điểm đ khoản 1 Điều 15, Luật Báo chí nêu rõ: “Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, sự bảo vệ của các cơ quan chức năng đối với phóng viên còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, trong quá trình tác nghiệp đã có rất nhiều phóng viên, nhà báo bị hành hung, gây thương tích…