Nhờ chú trọng hỗ trợ sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường của Hội Phụ nữ các cấp, chị em phụ nữ các DTTS đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế caoHợp tác xã (HTX) chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được thành lập năm 2017 sản xuất các loại miến, mì, bún tươi, bánh gio từ nguyên liệu là giống gạo Bao Thai - một trong những đặc sản của Định Hóa. Những năm về trước, sản phẩm mỳ gạo Bao thai Định Hóa ở xã Kim Phượng chưa có bao bì, nhãn mác, giá thành thấp, nên khó tiêu thụ.
Những năm gần đây, nhờ được hỗ trợ đầu tư dây chuyền sản xuất mì gạo, được Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với các đơn vị tập huấn áp dụng kỹ thuật, đào tạo vận hành thành thạo dây chuyền chế biến mì gạo nên sản phẩm làm ra đồng đều, mẫu mã đẹp hơn chế biến thủ công.
Theo chị Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX Kim Phượng, dây chuyền chế biến mì gạo dễ vận hành, cho năng suất chế biến thành phẩm cao hơn nhiều lần so với chế biến thủ công. Các thành viên trong quá trình làm đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tế để chế biến ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mà đẹp, phù hợp người tiêu dùng…
Trung bình 1 công lao động mỗi ngày vận hành dây chuyền chế biến 150kg nguyên liệu, trong khi chế biến thủ công cần tới 5 công. Do độ hao hụt ít hơn và giá thành sản xuất giảm, mỗi ngày, cứ 150kg gạo nguyên liệu chế biến bằng máy, HTX có thể thu lãi 1,9 triệu đồng, cao hơn chế biến thủ công 1 triệu đồng…
Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội LHPN các cấp tại Thái Nguyên rất chú trọng và nỗ lực thực hiện việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường.
Theo đó, Hội LHPN các cấp đã tổ chức gần 1.000 lớp tập huấn về chuyển đổi số, kinh tế số cung cấp kiến thức, hướng dẫn phụ nữ kinh doanh online, kinh doanh qua mạng xã hội, kinh doanh theo hình thức HTX, liên kết sản xuất… với sự tham gia của trên 15.000 học viên. Hiện nay, Thái Nguyên đã có 8 tổ nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường đã được thành lập, đạt 80% so với chỉ tiêu được giao.
Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh tế của hội viên phụ nữ đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp tăng doanh thu, kết nối tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Qua đó giúp chị em phụ nữ nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.
HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất trà hoa hồiCòn tại Lạng Sơn, trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ đã thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã và đang tạo ra hiệu quả kinh tế tích cực.
Nhờ được các các cấp hội phụ nữ tập huấn, áp dụng khoa học công nghệ cùng với sự nhạy bén của bản thân, chị Trần Thị Thu Lan, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm trà hoa hồi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Trần Thị Thu Lan, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền cho biết: Năm 2023, HTX bắt đầu triển khai sản xuất cho ra đời sản phẩm trà hoa hồi, được người tiêu dùng ưa chuộng. HTX luôn chủ động tìm kiếm để mở rộng thị trường tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho thành viên HTX và các hộ dân trồng hồi trên địa bàn. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, HTX đã thu mua trên 30 tấn hồi khô của người dân trên địa bàn huyện.
Hiện nay mỗi tháng, HTX duy trì sản xuất khoảng 10.000 sản phẩm trà cùng các sản phẩm thảo dược khác, doanh thu khoảng 500 - 700 triệu đồng/tháng; tạo việc làm ổn định cho 5 - 9 lao động, cao điểm khoảng 20 lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, mới đây, HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền vinh dự là một trong 100 HTX tiêu biểu trên cả nước được nhận giải thưởng “Ngôi sao HTX-CoopStar Awards 2025” cho do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức vào 11/4 vừa qua.
Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh tế của hội viên phụ nữ đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp tăng doanh thu, kết nối tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụTừ thực tế triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, các cấp hội phụ nữ đã chú trọng 4 nội dung can thiệp, trong đó có nội dung xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; Chú trọng đẩy mạnh các mô hình tổ, nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc đẩy mạnh các mô hình tổ, nhóm sinh kế ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường đã mang lại những thay đổi tích cực cho chị em phụ nữ DTTS. Họ thay đổi tư duy, tiếp cận với những cách làm mới để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, nhất là đối với phụ nữ ở những vùng khó khăn.