Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phụ nữ Kiên Giang học tập và làm theo lời Bác

PV - 15:39, 25/09/2018

Việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã và đang lan tỏa sâu rộng đến từng xóm làng, phum sóc trong tỉnh Kiên Giang. Trong đó có đông đảo bà con Khmer hưởng ứng, bằng những việc làm thiết thực như mô hình Tổ tiết kiệm "Ống tre Bác Hồ", mua bảo hiểm y tế cho hộ gia đình...

Phụ nữ Kiên Giang Chị em phụ nữ ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao góp vốn xoay vòng mua bảo hiểm y tế.

Từ ống tre Bác Hồ

Bà Lâm Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cho biết: Mới đây, Hội đã tổ chức Hội nghị biểu dương 122 tập thể, cá nhân (39 tập thể, 83 cá nhân) có thành tích nổi bật nhất từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ khi được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một trong những việc làm thiết thực của chị em phụ nữ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng là tận dụng ống tre từ nghề vót đũa dùng làm ống tiết kiệm. Mỗi đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của các chị đã nhanh chóng trở thành nguồn vốn đầy ý nghĩa đối với từng gia đình để lo con ăn học, mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình, chăn nuôi thêm heo, gà, vịt... Nếu trước đây, nguồn vốn giúp nhau chưa được 2 triệu đồng/người thì nay, mỗi hội viên phụ nữ được vay 4 triệu đồng.

Chị Nhân, một trong 30 thành viên của tổ phấn khởi nói: Nhờ vào sinh hoạt Hội, ống tre tiết kiệm mà giờ đây, gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện lo cho con cái ăn học, phát triển kinh tế. Dẫn chúng tôi xem căn nhà mới xây trị giá hơn 100 triệu đồng, chị Nhân phấn khởi kể tiếp: Đúng là tiết kiệm trong chi tiêu, tiết kiệm thời gian, cố gắng học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, giờ đây, vợ chồng tôi không còn nghèo nữa. Ngoài gia đình tôi, còn có gần chục gia đình khác cũng đã cất được nhà mới, thay mái lá bằng mái tôn.

Học tập làm theo tấm gương của Bác Hồ, từ chỗ chỉ có 19 hội viên tham gia sinh hoạt, đến nay thấy được lợi ích thiết thực, số chị em tham gia sinh hoạt đông đúc hơn với 30 hội viên. Những "ống tre Bác Hồ" đã trở thành thói quen tiết kiệm của phụ nữ Khmer nơi đây. Làng nghề vót đũa truyền thống ở Vĩnh Lợi được tiếp tục duy trì và nhộn nhịp hơn. Mỗi gia đình đều có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định hơn. Các chị không còn phải lo toan, bươn chải với công việc làm thuê khắp nơi như trước đây mà có thể phát triển kinh tế ngay tại gia đình mình.

Từ suy nghĩ "góp gió thành bão", mỗi chị đã tự nguyện tham gia quỹ góp vốn xoay vòng với số tiền khoảng 3 triệu đồng, cộng với nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của phụ nữ, mỗi năm, tổ đã giúp 2 chị với số vốn 4 triệu đồng/người để phát triển kinh tế gia đình. Tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn huyện, nhất là ở những địa phương vùng đồng bào Khmer, ở những làng nghề thủ công truyền thống như vót đũa, đan đát, làm cần xé... Bà Lâm Thị Lệ Hà cho biết thêm.

Đến mua bảo hiểm y tế

Tương tự, Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Tân, xã Vĩnh Lợi có 295 hội viên. Học tập làm theo tấm gương của Bác Hồ, Chi hội đã phát động trong hội viên thực hiện mô hình góp vốn xoay vòng để mua Bảo hiểm Y tế (BHYT) hộ gia đình. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên đến nay Chi hội thành lập được 5 Tổ góp vốn xoay vòng thu hút 93 hội viên phụ nữ tham gia, mức góp vốn hằng tháng từ 100–200 ngàn đồng/người, tính chung mỗi tháng các Tổ góp vốn được trên 15 triệu đồng để giúp hội viên mua BHYT hộ gia đình hoặc đầu tư phát triển sản xuất của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Tân cho biết: Gia đình tôi có 5 người, trước đây mua BHYT cho cả hộ rất khó khăn vì số tiền tương đối cao. Từ khi Chi hội phát động vận động chị em tham gia góp vốn xoay vòng để mua BHYT gia đình tôi giảm bớt khó khăn hơn. Lần nào bốc thăm được tiền tôi dùng để mua BHYT cho cả 5 người trong nhà hoặc đầu tư vào sản xuất của gia đình. Hằng tháng mình góp lại 200 ngàn đồng thì đỡ lo hơn.

Nhờ phát động thực hiện mô hình góp vốn xoay vòng mua BHYT mà đến nay có hơn 95% hộ gia đình hội viên Phụ nữ ấp đã tham gia BHYT, nâng tổng số hộ tham gia BHYT của ấp đạt 85%. Trong số đó có nhiều gia đình hội viên tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên và đã hưởng được nhiều quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh.

Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Tân còn thực hiện tốt việc xây dựng cảnh quan, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Đến nay 100% gia đình hội viên phụ nữ đạt hộ gia đình nông thôn mới, Chi hội đăng ký thực hiện mô hình “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp” vận động hội viên trồng hoa 2 bên đường tạo mỹ quan xóm ấp thêm khang trang, sạch đẹp. Ngoài ra, Chi hội còn vận động hội viên xây dựng được 70 lò đốt rác góp phần xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Tân chia sẻ: Được Chi hội thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở chị em trong ấp luôn đoàn kết cùng nhau thực hiện tốt các phần việc hộ gia đình nông thôn mới, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, chí thú làm ăn không tham gia các tệ nạn xã hội.

Còn rất nhiều những mô hình "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở Kiên Giang nhưng qua hai mô hình trên thấy việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang được lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong các hoạt động hằng ngày...

BÀI VÀ ẢNH: THẾ HẠNH

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.