Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

“Phủ sóng” thông tin đến vùng DTTS và miền núi: Cần đầu tư theo chiều sâu

PV - 10:11, 20/06/2018

Vùng DTTS và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK hiện vẫn là “vùng lõm” về thông tin. Tiếp tục thực hiện chính sách cấp không thu tiền các ấn phẩm báo, tạp chí trên cơ sở chọn lọc là giải pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả “phủ sóng” thông tin về cơ sở.

“Vùng lõm” về thông tin

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng nguồn lực được bố trí, sóng phát thanh-truyền hình hiện đã bao phủ ở hầu khắp cả nước, kể cả khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhưng được phủ sóng phát thanh-truyền hình không đồng nghĩa với việc người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK được tiếp cận đầy đủ thông tin.

Bởi một lẽ rất đơn giản, muốn “tiếp sóng” thì phải có phương tiện nghe-nhìn. Nhưng thực tế, hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào ở vùng ĐBKK chưa có điều kiện để sở hữu một chiếc ti vi hay một chiếc đài radio.

Cần tăng cường đầu tư để đưa thông tin về cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân. Cần tăng cường đầu tư để đưa thông tin về cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS (UBDT-Tổng Cục Thống kê công bố năm 2017) cho thấy, ở nhiều cộng đồng DTTS có không ít gia đình không có ti vi hay đài radio. Như cộng đồng dân tộc La Hủ chỉ có 29,9% hộ có ti vi, 1,7% hộ có đài radio. Hay cộng đồng dân tộc Mảng chỉ có 36,9% hộ có ti vi, 0,8% hộ có đài radio; cộng đồng dân tộc Lô Lô chỉ có 43,6% hộ có ti vi, 6,3% hộ có đài radio; cộng đồng dân tộc Chứt chỉ có 47,5% hộ có ti vi, 3% hộ có đài radio;…

Sẽ có ý kiến cho rằng, không có ti vi, đài radio cũng chẳng mấy quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay; chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối internet là có thể tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, ngoài việc chưa có điều kiện để mua được những chiếc điện thoại để có thể đọc báo thì tỷ lệ phủ sóng internet cũng là trở ngại.

baodantoc_so_do

Kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS cho thấy, chỉ có 6,5% số hộ đồng bào DTTS trên cả nước được kết nối internet; cao nhất là đồng bào dân tộc Hoa (47,2%); 16 dân tộc có tỷ lệ hộ kết nối internet dưới 1%; thấp nhất là dân tộc Xinh Mun với tỷ lệ 0,1%, kế đến là dân tộc Kháng, dân tộc La Hủ với tỷ lệ 0,2%;…

Đa số các cộng đồng dân tộc thiếu hụt về tiếp cận thông tin-một trong những chỉ số nghèo đa chiều, đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Theo Ủy ban Dân tộc, cả nước có 1.928 xã ĐBKK và 211 xã biên giới, an toàn khu (số liệu tính đến tháng 5/2017). Các xã này có đặc điểm chung là giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội hạn chế và trình độ dân trí thấp. Những địa phương này không chỉ là “vùng trũng” về phát triển kinh tế-xã hội, mà cũng là những nơi “thiếu đói” về thông tin.

“Phủ sóng” cần lựa chọn

Trong điều kiện hạ tầng về thông tin còn thiếu, đời sống kinh tế của nhiều gia đình DTTS ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, để giúp bà con tiếp cận thông tin thì báo in giữ một vị trí hết sức quan trọng. Từ năm 2002 đến nay, chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK thực sự đã đem lại hiệu quả. Các báo, tạo chí đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật, khơi dậy ý thức vươn lên cho không chỉ người dân mà cả đội ngũ cán bộ các địa phương vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK.

Trả lời phỏng vấn trên Báo Dân tộc và Phát triển, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn đã khẳng định: Các báo, tạp chí được cấp phát cho vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK đã tích cực tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Các báo, tạp chí đã đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc; giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; phê phán đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tiếp tục vạch trần âm mưu của kẻ xấu nhằm kích động phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc ở các vùng trọng điểm.

Với ưu điểm và thế mạnh là đưa thông tin sâu và lưu trữ thông tin lâu, báo in đã chuyển tải thông tin đến với đồng bào vùng DTTS, vùng ĐBKK. Đặc biệt, báo in là cẩm nang không thể thiếu giúp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, già làng, trưởng bản, Người có uy tín làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Vai trò của các báo, tạp chí cấp không thu tiền cho vùng DTTS và miền núi đã được khẳng định và cần tiếp tục triển khai để “phủ sóng” thông tin đến vùng DTTS và miền núi. Vấn đề quan tâm là cần có những điều chỉnh trong chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạo chí.

Khảo sát tại các địa phương thụ hưởng chính sách, phóng viên ghi nhận nhiều ý kiến cùng chung quan điểm nên giảm số đầu báo cấp phát không thu tiền; tập trung nguồn lực cho những cơ quan báo chí chuyên sâu về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Với số lượng trên dưới 20 đầu báo, tạp chí (đặc biệt là có hơn 10 tạp chí chuyên đề DTTS và miền núi) như hiện nay là quá nhiều; đó là chưa kể, còn có một số loại báo khác cấp miễn phí cho cán bộ, công chức, Người có uy tín (Báo Công an cấp phát cho Công an xã; Báo Đại đoàn kết cấp phát cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã...). Nhiều loại báo cấp phát trong cùng thời điểm nên thông tin trùng lặp.

Phải khẳng định, cùng với những chính sách đầu tư, hỗ trợ giúp đồng bào DTTS và miền núi giảm nghèo về vật chất thì việc đẩy mạnh hỗ trợ bà con tiếp cận, thụ hưởng thông tin từ các báo, tạp chí cấp không thu tiền là rất cần thiết. Để hiệu quả hơn nữa thì nên giảm bớt số đầu báo, tạp chí. Nhưng giảm loại nào, số lượng bao nhiêu thì cần có sự khảo sát của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp; trong đó cần có sự ưu tiên cho những tờ báo ngành về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.