Đặc biệt, Kỳ họp đã quyết định các nội dung mang tính bước ngoặt đối với tổ chức hành chính của tỉnh.
Theo phương án, Phú Yên sẽ thực hiện sắp xếp 106 xã, phường, thị trấn hiện hữu thành 34 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 xã và 7 phường, giảm 67,92% số lượng đơn vị. Phương án sắp xếp được xây dựng trên cơ sở tiêu chí quy mô diện tích, dân số theo quy định, đồng thời bảo đảm ổn định tổ chức, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đời sống Nhân dân.
Các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên thống nhất chủ trương sắp xếp xã và hợp nhất với tỉnh Đắk Lắk tại Kỳ họp thứ 27Cụ thể, tại TP. Tuy Hòa, 12 xã, phường sẽ được sắp xếp thành 3 phường mới: Phú Yên, Tuy Hòa và Bình Kiến; Thị xã Sông Cầu sắp xếp 13 xã, phường thành 2 phường và 3 xã; Thị xã Đông Hòa sắp xếp 10 xã, phường thành 2 phường và 1 xã; Các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân đồng loạt sắp xếp, mỗi địa phương còn từ 2 đến 5 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau khi sắp xếp, 32/34 xã, phường mới được đặt tên theo các địa danh truyền thống, lịch sử; chỉ có 2 xã sử dụng tên ghép kèm chữ số là Phú Hòa 1 và Phú Hòa 2.
Việc sắp xếp này không chỉ tinh gọn bộ máy hành chính mà còn tạo điều kiện tái cấu trúc hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị hiện đại, phát triển đồng bộ khu vực nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Cùng với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, HĐND tỉnh Phú Yên cũng đã thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Phú Yên với tỉnh Đắk Lắk, thực hiện theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, sau khi hợp nhất, tỉnh mới sẽ mang tên Đắk Lắk, có diện tích tự nhiên hơn 18.096km², dân số trên 3,3 triệu người, với 102 đơn vị hành chính trực thuộc. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh sẽ được đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Đề án sắp xếp đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của cử tri đại diện hộ gia đình tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với tỷ lệ đồng thuận đạt 97,69%. Việc hợp nhất giữa hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk là một bước ngoặt lớn, không chỉ tạo cơ hội tái cấu trúc và mở rộng không gian phát triển mà còn góp phần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển đô thị thông minh, nông thôn mới bền vững, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họpPhát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, bà Cao Thị Hòa An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết: Ngay sau Kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đắk Lắk để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng tiến độ. Song song đó, chúng ta phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, để tạo sự đồng thuận, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình sắp xếp.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các ngành, địa phương rà soát kỹ lưỡng, điều chỉnh nhiệm vụ chi ngân sách, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các chương trình, dự án thực sự cần thiết, đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng đô thị, cấp thoát nước, điện, trường học và bệnh viện. Các dự án chưa thực sự cấp bách cần chủ động dừng hoặc giãn tiến độ để tập trung nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội và các công trình dân sinh thiết yếu, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với việc chăm lo đời sống Nhân dân.
“Chúng ta xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, đòi hỏi quyết tâm cao, hành động quyết liệt, đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để bảo đảm quá trình sắp xếp đạt kết quả tốt nhất, không để gián đoạn công việc, không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp”, bà Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.