Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Phú Yên: Tăng cường tiếng Việt nâng cao chất lượng học tập cho trẻ em DTTS

Thành Nhân - 15:44, 30/10/2021

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Phú Yên, qua 4 năm thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020”, chất lượng học tập của trẻ em DTTS các huyện miền núi của tỉnh ngày càng chuyển biến tích cực. Đó là động lực để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án giai đoạn 2021 - 2025.

Được giao tiếp trong môi trường mẫu giáo giúp các em học sinh DTTS tự tin sử dụng tiếng Việt
Được giao tiếp trong môi trường mẫu giáo giúp các em học sinh DTTS tự tin sử dụng tiếng Việt

Sự đồng hành của thầy cô

Trường Tiểu học Eabia, huyện Sông Hinh có gần 60 học sinh bước vào lớp 1, 100% là con em đồng bào DTTS, các em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Để giúp các em tiếp thu, cải thiện vốn tiếng Việt, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết và tận tình. 

Theo những người công tác lâu năm như cô Hà Thị Hồng Minh, thì việc để giúp học sinh nói tiếng Việt thành thạo, nhận biết chữ cái, chữ số, giáo viên phải dùng tất cả tâm huyết để hỗ trợ cho các em. Bên cạnh việc dạy tiếng Việt, dịp hè cũng là thời gian để cô tìm hiểu về hoàn cảnh từng em, từ đó có giải pháp giúp đỡ phù hợp những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc vận động các em đến lớp đầy đủ.

Tại trường Tiểu học Xuân Lãnh 1, huyện Đồng Xuân, sau một thời gian, thầy - trò “vật lộn” với những chữ cái, con số… sự rụt rè, e ngại trước đây đã không còn. Các em đã tự tin đọc bài, phát biểu sôi nổi… Trước khi bước vào đây, các em có mức độ tiếp thu bài từ thầy, cô khác nhau, nhưng đến nay, gần 80 em học sinh lớp 1 ở đây đều đã đọc rõ tiếng Việt và viết chữ đẹp.

Huyện Sơn Hòa có 13 DTTS chung sống như: Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng... chiếm tỷ lệ gần 35% dân số. Tại địa phương, nhiều trẻ em DTTS không nói được tiếng Việt đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em, cũng như chất lượng của ngành Giáo dục. Vì thế, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi và đến nay đã đạt được kết quả khả quan.

Thầy Trương Hữu Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Bạc, cho hay: Nhà trường có gần 50% học sinh DTTS, nhiều học sinh phát âm tiếng Việt chưa chuẩn, nên đọc và viết sai chính tả, không hiểu nghĩa một số từ, rụt rè trong giao tiếp. Chính vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt khả năng tiếp thu của các em, Nhà trường còn khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt ở trường và khi về nhà; tăng cường thời lượng dạy đọc, viết tiếng Việt; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Việt để thu hút các em tham gia.

Để các em học sinh DTTS tự tin, Ngành Giáo dục Phú Yên thường tổ chức các hội thi về tiếng Việt
Để các em học sinh DTTS tự tin, Ngành Giáo dục Phú Yên thường tổ chức các hội thi về tiếng Việt

Đẩy mạnh việc triển khai đề án

Từ đầu năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch tiếp tục Đề án giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời chỉ đạo các đơn vị, trường học rà soát mục tiêu để điều chỉnh kế hoạch dạy học, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên cho biết: Trước thềm năm học mới, Sở chỉ đạo toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn trường học, vừa phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Trong đó, quan tâm chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung tăng cường tiếng Việt cho học sinh vào lớp 1, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong và ngoài nhà trường, tích hợp rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong các môn học… nhằm giúp học sinh có cơ hội giao lưu, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt.

Mục tiêu chung của kế hoạch, là bảo đảm cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS có kỹ năng trong việc sử dụng tiếng Việt, để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển xã hội của tỉnh và đất nước.

Vì thế, ngành Giáo dục Phú Yên đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở các vùng DTTS, miền núi. Như, hằng năm, tỉnh đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ người DTTS về công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục để tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng học sinh vùng DTTS;

Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng công tác quản lý dạy học tại điểm trường, kỹ năng dạy học lớp ghép; bồi dưỡng một số tiếng DTTS phổ biến cho giáo viên dạy trẻ vùng DTTS; khuyến khích, yêu cầu giáo viên tự bồi dưỡng, tự học tập tiếng DTTS địa phương phục vụ yêu cầu công việc; Biên soạn, lựa chọn, thẩm định, triển khai tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ.