Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phục hồi kinh tế các tỉnh cụm Nam sông Hậu: Bài toán không dễ

N.Tâm - H.Diễm - 16:16, 27/10/2021

Hiện tại các tỉnh, thành Nam sông Hậu đang thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ- CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19, những vùng xanh an toàn về lao động, sản xuất, vận tải... Tuy nhiên, để nền kinh tế phục hồi và phát triển ở các tỉnh này sau khi dịch bệnh được khống chế, vẫn đang là bài toán không dễ.

Một số địa phương vẫn duy trì các chốt chặn để kiểm tra người vào tỉnh
Một số địa phương vẫn duy trì các chốt chặn để kiểm tra người vào tỉnh

Chưa tìm được tiếng nói chung

Trong đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch bệnh Covid-19, các tỉnh cụm Nam sông Hậu (gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và TP. Cần Thơ) chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất đình trệ, giao thông đứt quãng... Tuy nhiên, sự không đồng nhất trong việc mỗi tỉnh có những quy định riêng về giao thông vận tải, người ra vào tỉnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh... khiến người lao động, doanh nghiệp lúng túng trong cách thực hiện.

Tại An Giang, tỉnh đã đánh giá dịch theo cấp độ 2, đồng thời có quy định áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa đồng bộ. An Giang tạo điều kiện cho người dân ra khỏi tỉnh, nhưng đối với người vào tỉnh thì có những quy định riêng. 

Đối với người về từ các địa phương có mức độ dịch ở cấp 1, 2, sẽ được đi lại tự do, nhưng người về từ cấp độ 3 phải được tiêm ít nhất 1 mũi hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng, có giấy xét nghiệm PCR hoặc test nhanh âm tính, thực hiện cách ly tại nhà theo quy định. Người ở địa phương có mức độ dịch cấp 4 sẽ không được vào tỉnh, trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phải tiêm đầy đủ 2 mũi, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ, khai báo y tế và thực hiện cách ly theo quy định.

Còn tại Hậu Giang, mặc dù đã có quy định thực hiện theo Nghị quyết 128, nhưng chưa quy định trường hợp nào vào tỉnh phải cách ly theo dõi sức khỏe và cần giấy tờ gì. Theo hướng dẫn tạm thời kèm theo Quyết định 1988 (ban hành ngày 21/10), UBND tỉnh Hậu Giang xác định, chỉ cách ly đối với người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4, vùng cách ly y tế, hay trường hợp là F1.

 Đồng thời, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 và xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên định kỳ theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Song, các quy định này lại không nêu rõ người muốn đến/về Hậu Giang cần những điều kiện gì, đi lại như thế nào cho từng trường hợp và có yêu cầu giấy xét nghiệm hay không?

Tương tự tại Cà Mau, dù là địa phương ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Nhưng đến nay, vẫn truy trì các chốt cửa ngõ ra vào tỉnh. Theo đó, người vào Cà Mau từ địa phương cấp độ 1, 2 không thực hiện cách ly không yêu cầu xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, người đến từ nơi có dịch ở cấp độ 3, 4 cần có kết quả PCR hoặc test nhanh âm tính còn hạn trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.

Chính những quy định riêng của từng tỉnh khiến việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ trở nên kém hiệu quả, không đồng bộ, gây khó khăn cho người dân, cản trở hoạt động của doanh nghiệp, nên nền kinh tế các tỉnh này vẫn chưa thể phục hồi trong trạng thái mới. Do đó, cần sự chung tay phối hợp của các tỉnh thành khu vực Nam sông Hậu trong thực hiện đồng bộ có hiệu quả trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Giao thông vận tải liên tỉnh từng bước được phục hồi
Giao thông vận tải liên tỉnh từng bước được phục hồi

Thống nhất lưu thông, phục hồi kinh tế

Ngày 19/10 vừa qua, 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu (An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ), đã tổ chức Hội nghị trực tuyến trong công tác liên kết phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là lần đầu tiên tiểu vùng Nam sông Hậu có một cuộc họp để hợp tác cùng phát triển trong 6 lĩnh vực: Y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ - du lịch, lao động việc làm, thông tin truyền thông. Nhiều địa phương cho rằng, việc liên kết hợp tác là vô cùng cần thiết cho sự phát triển bền vững của vùng.

Được đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở mức độ trung bình, nên những ngày qua, TP. Cần Thơ đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới, thúc đẩy lưu thông, vận chuyển hàng hóa và sản xuất, hoạt động lại các khu công nghiệp.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững cần tăng cường liên kết với các tỉnh trong vùng để cùng nhau chống dịch, sản xuất lưu thông tiêu thụ. Trước mắt, các tỉnh trong khu vực cần cơ chế chia sẻ nền tảng bản đồ phòng, chống Covid-19, thống nhất phương án di chuyển giữa các địa phương. 

Đối với vận tải hành khách ở các tỉnh thành cấp độ 1, 2 được hoạt động bình thường, cấp 3, 4 Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định bảo đảm phòng chống dịch. Vận tải hàng hóa, công nhân, chuyên gia, vận chuyển nội bộ bằng ô tô cho phép hoạt động 100%, kể cả nội tỉnh và liên tỉnh.

Đồng quan điểm với Cần Thơ, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, mong muốn, dựa vào cấp độ dịch của từng địa phương, các tỉnh thành nên phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp, HTX vận tải hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải bảo đảm thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, hoạt động vận tải tùy vào từng cấp độ dịch của địa phương, sẽ có quy định về tần suất chuyến đi, cường độ giãn cách trên phương tiện hoặc dừng hoạt động. Đối với các tỉnh còn duy trì chốt kiểm soát, đề nghị chỉ kiểm soát về phòng, chống dịch. Khi người dân bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch thì được di chuyển ra vào địa phương.

Chặng đường kết nối hợp tác cùng phát triển của các tỉnh cụm Nam Sông Hậu sẽ còn rất dài và nhiều khó khăn, nhưng trong tương lai không xa, các tỉnh sẽ tìm được nhiều tiếng nói chung để đoàn kết giúp đỡ nhau tạo thành một khối liên kết vững chắc, đầy tiềm năng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.