Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phục hồi, phát triển các giống cây trồng quý hiếm: Bắt đầu từ xây dựng Luật Trồng trọt

PV - 10:36, 12/06/2018

Vùng DTTS và miền núi có những giống cây dược liệu rất quý. Nhưng do khai thác theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ“, lại thiếu chính sách phục hồi, phát triển nên nhiều giống cây đang dần trở nên hiếm dần, thậm chí đứng trước nguy cơ biến mất.

Nhiều giống quý có nguy cơ biến mất

Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đã từng là một địa bàn phong phú về các loại cây dược liệu tự nhiên. Như cây khôi, còn có cách gọi khác là cây độc lực hoặc đơn tướng quân, có tác dụng chữa đau bụng và các bệnh liên quan đến dạ dày. Trước đây, cây khôi “mọc như cỏ” ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng sau một thời gian dài, thương lái nước ngoài tập trung thu mua với giá cao, không chỉ lá mà cả thân, rễ nên cây khôi dần vắng bóng. Hiện cây khôi chỉ còn xuất hiện rải rác ở một số thôn, bản ở xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn).

Giống chè Shan tuyết hiện được trồng ở rất nhiều địa phương, không chỉ riêng Hà Giang, Yên Bái mà ở Bắc Kạn cũng có. (Trong ảnh: Chè shan tuyết ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) Giống chè Shan tuyết hiện được trồng ở rất nhiều địa phương, không chỉ riêng Hà Giang, Yên Bái mà ở Bắc Kạn cũng có. (Trong ảnh: Chè shan tuyết ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn)

 

Theo ông Nông Thế Bích, Chủ tịch UBND xã Mai Lạp, ngày trước, trên bất cứ nương rẫy, triền đồi nào cũng có cây khôi mọc tự nhiên. Nhưng nay, phải đi vào rừng thì mới có hy vọng tìm được. Nguyên nhân là do người dân địa phương khai thác triệt để. Có những thời điểm, giá thu mua lên tới 60 nghìn đồng/kg lá tươi, 150 nghìn đồng/kg lá khô nên cây khôi được xem như ‘‘vàng xanh“, người dân đua nhau khai thác. Cây khôi hiếm dần và đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng khi thương lái không chỉ thu mua lá mà còn mua cả thân và rễ. Đến nay, cả xã Mai Lạp hầu như rất hiếm loại cây thuốc này.

Cùng với cây khôi, nhiều loại cây dược liệu quý khác từng mọc rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện trở nên rất hiếm. Điển hình như cây hoàng liên ô rô. Theo y học cổ truyền, đây là loại cây có tác dụng chữa ho lao, sốt cơn, ho ra máu, lưng gối yếu mỏi, chóng mặt, ù tai, mất ngủ… Khoảng 10 năm trước, người dân có thể dễ dàng khai thác được hàng chục tấn cây này trong vài ngày, thì nay chỉ còn một diện tích nhỏ ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Không chỉ cây dược liệu mọc tự nhiên, nhiều giống cây trồng đặc sản khác cũng đang bị mai một do người nông dân canh tác chạy theo năng suất làm biến đổi gien quý.

Như chè Shan tuyết, một đặc sản của tỉnh Hà Giang. Đây là giống chè quý, ban đầu chỉ có ở Lũng Phìn (huyện Đồng Văn). Trong nỗ lực phát triển giống cây trồng này, tỉnh Hà Giang đã mở rộng diện tích trồng chè Shan tuyết ra nhiều địa phương. Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Giang hiện có trên 21.000ha chè, chủ yếu là giống chè Shan tuyết; sản lượng chè búp tươi đạt bình quân 66,7 vạn tấn/năm.

Nhiều “lỗ hổng“ bảo tồn

Việc những giống cây trồng quý đang dần biến mất, hoặc được phát triển mở rộng nhưng thất thoát nguồn gen, nghe qua có vẻ đối nghịch nhưng đều hướng tới một vấn đề, đó là những “lỗ hổng” trong công tác bảo tồn, phát triển giống cây trồng.

Với cây dược liệu mọc tự nhiên, gần như không thể ngăn cản người dân vào rừng khai thác vì có thể họ hái thuốc để bán, có thể để dùng. Hiện không có bất cứ văn bản nào cấm dân vào rừng tìm cây thuốc.

Với những giống cây trồng đặc sản, việc bảo tồn, phát triển theo lý thuyết thì dễ dàng hơn, bởi nó nằm trong quy hoạch của địa phương. Nhưng thực tế, không chỉ người nông dân “mạnh ai nấy làm” mà ngay cả chính quyền một số địa phương cũng “chệch hướng” trong việc phát triển nhiều giống cây quý.

Nhiều cây trồng đặc sản như mận, đào, sơn tra,... từng là đặc sản của từng địa phương, thì hiện nay địa phương nào cũng có. Kèm theo sự phát triển về diện tích, sản lượng là sự sa sút về chất lượng, nhất là sự suy giảm nghiêm trọng nguồn gen quý.

Với thực tế nêu trên, cùng với thực trạng nền sản xuất nông nghiệp luôn phải “giải cứu”, việc xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết. Nhưng khi dự thảo được trình trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo lắng, bởi dự thảo Luật chưa thể hiện được tính toàn diện, bao trùm. Đặc biệt, dự thảo Luật đã “bỏ sót” cơ chế, chính sách phát triển trồng trọt ở vùng DTTS và miền núi.

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Trồng trọt chiều ngày 23/5/2018, đại biểu Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, trồng trọt là lĩnh vực quan trọng với bà con miền núi, vùng DTTS. Tuy nhiên, nhiều giống cây trồng quý ở miền núi đang bị mai một do người nông dân chạy theo năng suất. Các tỉnh biên giới phía Bắc có tình trạng, tư thương nước láng giềng thu mua sản phẩm cây trồng đặc sản theo kiểu tận diệt.

Do đó, đại biểu Hà Ngọc Chiến đề nghị, bổ sung chính sách phát triển trồng trọt đối với vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK. Đặc biệt, dự thảo Luật cần phác thảo chính sách phục hồi, phát triển các giống cây trồng quý hiếm.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.