Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Phước Sơn vào hội Tết mùa

PV - 13:47, 29/01/2019

Khắp núi rừng huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) rộn vang tiếng cồng chiêng, tiếng già trẻ trai gái đồng bào Bhnoong (thuộc dân tộc Giẻ-triêng) vui hội Tết mùa (Cha-piếc). Sau một năm hăng say lao động, đồng bào Bhnoong tổ chức ăn tết truyền thống và bước vào đón Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc.

[caption id="attachment_31050" align="alignnone" width="800"]

Tái hiện lễ cúng thần Lúa trong Tết mùa của đồng bào Bhnoong, huyện Phước Sơn. Tái hiện lễ cúng thần Lúa trong Tết mùa của đồng bào Bhnoong, huyện Phước Sơn.

Tết mùa hay Tết nương rẫy của đồng bào Bhnoong thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hằng năm. Khi ấy, lúa trên rẫy đã thu hoạch xong, được đưa về cất giữ trong nhà kho. Lễ hội Tết mùa mang một ý nghĩa rất linh thiêng, dâng tạ thần linh vì một mùa rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh, con cháu thành đạt.

Tết mùa năm nay, dân làng tất bật chuẩn bị nấu rượu cần, chọn gạo nếp, gạo baton để chuẩn bị gói bánh quoát (bánh lá đót)... Công việc chuẩn bị xong, già làng đánh trống chiêng báo cho thần linh, cho bạn bè, bà con rằng làng đã bước vào mùa ăn Tết mùa.

Ngay từ sáng sớm, dân làng Lao Đu, xã Phước Xuân trong trang phục thổ cẩm đẹp nhất mang những món ăn truyền thống, các mặt hàng nông sản đến nhà làng để dâng cúng và trưng bày. Mâm cỗ Tết với những món mà đồng bào Bhnoong rất ưa thích là môn dốc nấu với thịt chuột, thịt sóc, ốc đá, cá chua, muối ớt lá ràng rây, rượu bắp, rượu cần… Sau khi dâng cúng thần linh, thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người được khỏe mạnh, dân làng Lao Đu quây quần bên bếp lửa ấm cúng vừa ăn tết, vừa say sưa hát những bài hát cộng đồng rồi trò chuyện vui vẻ.

Già làng A Hưu, làng Lao Đu chia sẻ: “Theo truyền thống, Tết mùa của người Bhnoong diễn ra trong 10 ngày, nhưng ngày đầu tiên, ngày thứ 4 và ngày thứ 9 là người dân gói bánh và ăn to. Trong những ngày Tết, bà con trong làng cùng chúc tụng nhau từ nhà này sang nhà khác, cùng ăn Tết, uống rượu cần, ôn lại một năm lao động vất vả. Ý nghĩa của việc ăn Tết chung với nhau là để cầu chúc mọi người được mạnh khỏe, lúa đầy kho, nhà nhà no ấm yên vui”.

Trong niềm vui Tết mùa của từng thôn bản, cộng đồng các dân tộc ở vùng cao Phước Sơn càng vui hơn khi năm nay Tết mùa của người Bhnoong được nâng lên tầm lễ hội cấp huyện. Đó là Lễ hội Tết mùa truyền thống người Bhnoong lần thứ I năm 2019 được tổ chức tại trung tâm Khâm Đức từ ngày 11/1-13/1 vừa qua. Hơn 1.200 nghệ nhân, diễn viên đến từ 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phước Sơn tham gia lễ hội. Lễ hội với nhiều hoạt động chính như: trưng bày các sản phẩm, hàng nông sản đặc trưng, trình diễn nghề thủ công truyền thống, tái hiện nghi thức dựng cây nêu, biểu diễn cồng chiêng, liên hoan nghệ thuật quần chúng, hát dân ca đối đáp, trình diễn trang phục truyền thống, đẩy gậy, gói bánh quát, tái hiện nghi thức Tết mùa và ẩm thực truyền thống của người Bhnoong.

Già làng Hồ Văn Điều, nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) cho biết, bà con người Bhnoong luôn duy trì ăn Tết mùa với tinh thần đoàn kết trong họ hàng, trong thôn bởi nó thể hiện tính cộng đồng rất cao. Dù cuộc sống hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng không vì thế mà bà con quên đi những phong tục tập quán truyền thống của đồng bào mình, đặc biệt là ăn Tết mùa. “Tết mùa năm nay, bà con rất vui vì Tết đã được nâng lên thành lễ hội lớn quy mô cấp huyện. Cuộc sống của người dân khắp các thôn nóc đồng bào Bhnoong vùng cao Phước Sơn ngày càng ổn định và từng bước được nâng cao. Lễ hội Tết mùa được duy trì và phát triển, giúp cho thế hệ con cháu hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống để từ đó gìn giữ và phát huy trong tương lai”, già Điều nói.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.