Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Phương án học sinh TP. Hồ Chí Minh trở lại trường học trực tiếp: Vẫn còn nhiều băn khoăn

Lê Vũ - 15:49, 11/11/2021

Trước việc các địa phương bắt đầu có kế hoạch cho học sinh trở lại học trực tiếp, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều phụ huynh và bản thân chính các em cũng có những suy nghĩ, trăn trở khác nhau. Vừa vui mừng vì được trở lại trường lớp, nhưng cũng vừa lo lắng vì vấn đề dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại các địa phương trong những ngày qua…

Việc học trực tuyến hiện nay không phải là giải pháp lâu dài và đang dần trở thành gánh nặng với phụ huynh và cả học sinh
Việc học trực tuyến hiện nay không phải là giải pháp lâu dài và đang dần trở thành gánh nặng với phụ huynh và cả học sinh

Mong chờ ngày trở lại trường

Em Trần Công Nam, học lớp 11, sống tại quận Tân Phú cho biết, những năm trước đi học thì mong đến lúc được nghỉ hè, ở nhà. Nhưng “mùa hè” năm nay đã quá dài, em rất mong muốn được sớm quay trở lại trường học, gặp lại thầy cô, bạn bè trực tiếp. Nam chia sẻ: Học trực tuyến ban đầu còn háo hức, nhưng hiện giờ em thấy mình rất thụ động, ngồi trước máy tính, đeo tai phone nghe giảng không thể bằng mình ngồi trong lớp học được.

Không riêng các em học sinh, việc học trực tuyến kéo dài đối với nhiều phụ huynh hiện cũng là một sự khó khăn. Chị Thiên Trang, sống ở quận Tân Bình, cho biết gia đình chị có 2 con, một em lớp 3 và một em lớp 6. Trong thời gian còn giãn cách, khi các em học trực tuyến, chị vẫn có thể dành thời gian để theo sát, kèm cặp các con, đặc biệt là bé lớp 3. Tuy nhiên hiện nay, chị phải trở lại với công việc, đi làm từ sáng đến tối mới về, nên chồng chị phải thương lượng với công ty để tiếp tục ở nhà, làm việc Online, nhằm mục đích hỗ trợ các con học trực tuyến. Nhưng việc này cũng không thể kéo dài mãi.

Chị Trang nói: "Nghe nói tháng 12, khả năng cao TP. Hồ Chí Minh sẽ cho trẻ trở lại trường học, chúng tôi rất trông mong".

Tại cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến việc tăng cường triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về bảo đảm các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại, diễn ra vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đều thống nhất cho rằng, việc học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng. Do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, Thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường bảo đảm an toàn.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT cũng đã đề xuất với UBND Thành phố cho học sinh lớp 9 và 12, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, được đi học trực tiếp vào đầu tháng 12. Hiện tại khoảng 1.000 trường học ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã được trao trả, sau thời gian trưng dụng phục vụ cho công tác phòng, chống Covid-19. Các trường đều đang gấp rút vệ sinh, sửa chữa, chuẩn bị cho kế hoạch đón học sinh trong thời gian tới.

Việc bảo đảm an toàn cho học sinh và phương án xử lý phù hợp nếu có phát sinh ca bệnh là điều quan trọng nhất để phụ huynh và học sinh an tâm khi trở lại trường
Việc bảo đảm an toàn cho học sinh và phương án xử lý phù hợp nếu có phát sinh ca bệnh là điều quan trọng nhất để phụ huynh và học sinh an tâm khi trở lại trường

Còn nhiều ý kiến khác nhau

Thực tế, phụ huynh rất muốn con em mình được sớm trở lại trường học trực tiếp. Các học sinh cũng mong muốn quay lại với các tiết học sinh động, thực tế, chứ không phải thụ động, khô khan trước chiếc điện thoại, hay máy tính. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng như vấn đề an toàn cho các em khi trở lại trường vẫn là những điều mà mọi người quan tâm, trăn trở rất lớn.

Đặc biệt, việc một số địa phương buộc phải tạm ngưng và lui kế hoạch cho học sinh trở lại trường học trực tiếp trong những ngày qua, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát đã gây nên nhiều ý kiến trong dư luận. Nhất là cách thức xử lý các tình huống có ca F0 trong trường học một cách thiếu thống nhất, đã phần nào tạo tâm lý hoang mang cho chính các phụ huynh và học sinh.

Anh Nguyễn Hồ Nam sống tại quận Tân Bình cho biết: Nếu chưa có biện pháp xử lý một cách bài bản trong việc phòng, chống Covid-19 trong trường học, thì các địa phương chưa nên cho các em trở lại trường học trực tiếp. Vì nguy cơ lây lan Covid-19 trong cộng đồng hiện nay còn rất cao, sẽ không loại trừ khả năng các em bị nhiễm khi học tập trực tiếp. Nhưng cách xử lý như một số địa phương hiện nay, là có ca F0 thì cách ly hết nguyên trường, nguyên lớp, theo tôi là không hợp lý, khi mà chúng ta đã xác định sống chung với Covid. Nếu vậy, tôi thà để con ở nhà học Online đến khi nào hết dịch thì thôi.

Chị Vương Hồng Nhung (ngụ quận 11) chia sẻ: Tôi nghĩ việc cho các em trở lại trường học cần có sự tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo và đồng bộ về các giải pháp. Chúng ta phải đưa ra các giả thiết về các tình huống và có cách xử lý ổn thỏa rồi hãy áp dụng. Chứ như nhiều nơi nóng vội cho học sinh học lại, được vài hôm có ca nhiễm xong đóng cửa nguyên trường, hoặc cả thành phố, cả tỉnh lại ngưng, như vậy vô tình tạo tâm lý hoang mang cho các em, cho phụ huynh chúng tôi mà còn tốn kém về mặt kinh tế, nào là test, nào là cách ly…

Được biết, trong tờ trình gửi UBND TP. Hồ Chí Minh ngày 27/10, Sở GD&ĐT đã đề xuất phương án mở cửa trường học theo cấp độ dịch của từng địa bàn. Địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) được tổ chức dạy trực tiếp, nhưng phải đảm bảo giãn cách, bộ tiêu chí an toàn trong trường học.

 Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao), các trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trên truyền hình. Các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.

Để được phép tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục phải được Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 đánh giá an toàn, bảo đảm theo bộ tiêu chí an toàn trường học của TP. Hồ Chí Minh. Học sinh, học viên, sinh viên phải được bố trí học lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, bảo đảm giới hạn về số người học…

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.