Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Một năm học mới với nhiều khó khăn

N.Tâm - H.Diễm - 15:11, 16/09/2021

Hiện tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào năm học mới. Do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành lựa chọn phương thức học trực tuyến. Tuy nhiên, cách học này đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương ĐBSCL, mỗi tỉnh có hàng trăm đến cả nghìn học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến vì thiếu thiết bị học tập, mạng Internet.

Trường Mầm non Mặt trời nhỏ thí điểm cho trẻ học trực tuyến vào dịp Hè
Trường Mầm non Mặt trời nhỏ thí điểm cho trẻ học trực tuyến vào dịp hè

Năm học mới với nhiều trở ngại... 

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TP. Cần Thơ đã khai giảng và bắt đầu năm học mới 2021 - 2022, bằng hình thức trực tuyến vào ngày 5/9. Hiện tại các khối trung học và sinh viên đã bắt đầu học, còn cấp tiểu học, mầm non vẫn chưa áp dụng hình thức học trực tuyến. Dù học trực tuyến không còn quá xa lại với học sinh, nhưng trên thực tế đang có rất nhiều trở ngại trong công tác giảng dạy và học tập, nhất là ở các vùng đặc thù. Những ngày bắt đầu năm học mới vừa qua, học sinh ở chợ nổi Cái Răng dường như thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, khi đa phần các em đang sống trên những chiếc ghe, nhà bè, việc học trực tuyến trở nên khó khăn vì thiếu thiết bị học tập và mạng Internet hạn chế.

Em Bùi Thị Cẩm Ly (sinh sống trên chợ nổi Cái Răng) đang học lớp 7, Trường THCS Lê Bình, quận Cái Răng, bộc bạch: "Hiện em sử dụng điện thoại để vào nhóm học. Nhưng mạng 3G trên sông nhiều lúc chập chờn, em lo lắng việc tiếp thu bài vở bị hạn chế. Em mong được học trên lớp hơn. Vì trên lớp tập trung nhiều hơn, học trực tuyến đôi khi có mấy bạn bật mic xong nói hoài",

Những ngày qua, tại An Giang, học sinh cũng bắt đầu học trực tuyến, nhưng theo nhiều phản ánh của phụ huynh, đường truyền internet không ổn định, tín hiệu chập chờn, giáo viên lẫn phụ huynh phải “xê cua” thêm sim 4G để bám theo lớp học.

Theo dõi con học mấy ngày qua, chị Phan Thị Chính (huyện Châu Thành) không khỏi lo lắng: “Con tôi đang học lớp 9, năm sau là chuyển cấp, mà học chút lát là con bé phải quơ quơ điện thoại lên vì không có sóng. Đành rằng không thể chọn cách khác, nhưng qua mùa này, chắc mấy đứa nhỏ bị bệnh thị lực nhiều lắm”.

Cùng với việc đường truyền không ổn định, là việc mua thiết bị khó khăn. Với nhiều gia đình, để con em tham gia học trực tuyến là cả vấn đề. Giá cả mua thiết bị cho đến chi phí lắp đặt mạng là đòi hỏi ngoài khả năng của những gia đình nghèo. Dịch bệnh không có thu nhập, nay vì chuyện học của con phải chi đến tiền triệu.

Ở các vùng nông thôn phần lớn phụ huynh làm thuê, làm ruộng, công nhân, nội trợ…Cuộc sống nhiều khó khăn, nên nhiều gia đình không có khả năng trang bị máy móc, phải cho con sang nhà bạn học ké, xài ké internet, thậm chí không thể học. Vì thế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài, nguy cơ các em bỏ học là rất cao.

Qua thống kê sơ bộ của ngành Giáo dục các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, hiện có khoảng 130.000 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn đang thiếu các thiết bị học trực tuyến. Việc dạy học trực tuyến không phải là mới, và là lựa chọn tối ưu trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, bất tiện cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, nỗ lực của tất cả các bên là chưa đủ để có được giờ học chất lượng và hiệu quả.

Học sinh học trực tuyến trên chợ nổi Cái Răng
Học sinh học trực tuyến trên chợ nổi Cái Răng

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục TP. Cần Thơ đã chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy cho các trường, cơ bản đã triển khai đồng bộ đến các đơn vị. Trong đó, những học sinh không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, nhà trường sẽ tập hợp các em học chung, hoặc giáo viên giao tài liệu học tập, bài học nhưng phải tuân thủ nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ cho biết, Sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng “Thư viện điện tử”. Thay vì cho mượn sách, các trường sẽ cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng, hoặc trợ giúp mua giá rẻ để có thể tham gia lớp học trực tuyến, không để học sinh nào bị “bỏ rơi”, nhất là các em ở khu vực chợ nổi, vùng sâu, vùng xa.

"Các trường sẽ chủ động trong việc hỗ trợ các thiết bị học tập cho các em khi học trực tuyến. Em nào gặp khó khăn trong vấn đề học trực tuyến, thì đến khi trường học trực tiếp lại sẽ tăng cường củng cố, ôn tập, bồi dưỡng thêm các kiến thức trong quá trình học trực tuyến, để các em bắt kịp với các bạn có đầy đủ điều kiện hơn", ông Nghĩa cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, hiện tỉnh có khoảng 10.000 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 500 học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để các học sinh khó khăn bảo đảm duy trì việc học, những ngày qua, ngành Giáo dục Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc hỗ trợ học sinh trong năm học mới. Ngoài vở, xe đạp, học bổng, đơn vị đã đứng ra vận động được 500 điện thoại thông minh để hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với chiếc điện thoại thông minh được hỗ trợ sẽ có kết nối sẵn Internet, nên các em nhận về là học trực tuyến được ngay. Kinh phí Internet cũng được nhà mạng hỗ trợ hết học kỳ.

Hiện tại ngành Giáo dục các tỉnh cũng đang nỗ lực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, để hạn chế thấp tình trạng các em phải bỏ học...