Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Quản lý nội dung khách hàng truy cập internet: Không dễ thực hiện

Nghĩa Hiệp - 09:42, 20/03/2020

Từ ngày 15/4/2020, các địa điểm kinh doanh dịch vụ internet công cộng sẽ phải thực hiện nghiêm các quy định về quản lý nội dung khách hàng truy cập internet theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (NĐ 15/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên, với những quy định trong NĐ 15/2020/NĐ-CP, vẫn còn những điểm khó áp dụng trong thời gian tới.

Rất khó để quản lý nội dung người dùng truy cập tại các điểm đại lý internet công cộng
Rất khó để quản lý nội dung người dùng truy cập tại các điểm đại lý internet công cộng

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành nhằm đẩy mạnh hơn công tác quản lý an ninh mạng, an toàn thông tin cho cá nhân và các tổ chức, ngăn chặn những tin giả gây hoang mang dư luận, đồng thời tăng cường kiểm soát các nội dung xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người dùng trên không gian mạng.

Một trong những điểm mới của NĐ 15/2020/NĐ-CP là quản lý nội dung khách hàng truy cập tại các đại lý internet công cộng. Theo khoản c, đ, Điều 35, NĐ 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi: Tổ chức hoặc cho phép người sử dụng internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định về sử dụng internet và thông tin trên mạng; để người sử dụng internet truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

Quy định nêu trên sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt những nội dung mà người sử dụng mạng dùng truy cập, từ đó ngăn ngừa văn hóa xấu xâm nhập vào tư tưởng người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ - lực lượng sử dụng internet lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều khoản nêu trên đang tạo ra những bất đồng đối với các chủ hộ kinh doanh dịch vụ internet. Theo anh Khuất Văn Thuận, huyện Na Hang (Tuyên Quang): “Tôi kinh doanh internet đã được 3 năm. Đây là lần đầu tôi thấy việc xử phạt chủ hộ kinh doanh đối với hành vi vi phạm của khách hàng khi khách hàng truy cập internet những nội dung mà Nhà nước không cho phép. Hiện, tôi có 30 máy cho thuê để kinh doanh, khai thác những dịch vụ do nhà mạng cung cấp, còn các nội dung mà khách hàng truy cập trên internet phải do nhà mạng quản lý. Vì vậy việc gắn trách nhiệm cho chủ cơ sở kinh doanh về vấn đề này là không thể thực hiện, xa rời thực tế”.

Việc khó quản lý nội dung khách hàng truy cập tại các cơ sở kinh doanh internet không chỉ khó đối với một cơ sở nhỏ như của anh Thuận, mà còn khó khăn hơn nữa đối với những đại lý internet có số lượng máy cho thuê lên đến hàng trăm máy.

Về vấn đề nêu trên, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: “Hiện nay, đã có các biện pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh bằng việc ngăn chặn người dùng truy cập nội dung nhạy cảm thông qua các đơn vị cung cấp đường truyền internet như: Viettel, FPT, VNPT… Các đơn vị này đã chặn người dùng truy cập vào các trang web “đen”, chứa nội dung đồi trụy”.

Tuy nhiên, việc ngăn ngừa mới chỉ ngăn chặn được một phần nhỏ trong nội dung của NĐ 15/2020/NĐ-CP đưa ra. Còn đối với các nội dung mê tín dị đoan, bạo lực… vẫn đang bị bỏ ngỏ trên không gian mạng, chưa có đơn vị quản lý. Việc kiểm duyệt các nội dung này cũng còn là cả chặng đường gian nan, ngay cả đối với các cơ quan quản lý đầu ngành như Bộ TT&TT hiện nay. Việc gắn trách nhiệm lên các chủ địa điểm kinh doanh internet như trên sẽ gây ra nhiều bất cập, khi “quýt làm, cam chịu”. Để luật thật sự đi vào đời sống và có hiệu quả tích cực, cần có những thay đổi khi áp dụng.