Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quan Sơn (Thanh Hóa): Một nhiệm kỳ với những kết quả quan trọng

Quỳnh Trâm - 10:48, 22/05/2020

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI nhiệm kỳ 2015 - 2020, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc của huyện đã chung sức, đồng lòng tạo được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho huyện vùng cao, biên giới.

Quan Sơn là một trong những địa phương hoàn thành sớm công tác tổ chức Đại hội cấp cơ sở. (Trong ảnh: Các đại biểu xã Trung Hạ bầu BCH Đảng bộ xã khóa mới).
Quan Sơn là một trong những địa phương hoàn thành sớm công tác tổ chức Đại hội cấp cơ sở. (Trong ảnh: Các đại biểu xã Trung Hạ bầu BCH Đảng bộ xã khóa mới).

Ông Vũ Văn Đạt, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ước đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn chủ yếu từ các Chương trình 30a, 135, nông thôn mới (NTM)… đầu tư xây dựng được 320 công trình thiết yếu về giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục. Đặc biệt, huyện tập trung phát triển các mô hình kinh tế, xây dựng các mô hình nông - lâm nghiệp, chuyển giao khoa học - kỹ thuật...

Tận dụng lợi thế về phát triển trồng rừng kinh tế, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng thành công mô hình quản lý rừng trồng (nứa, luồng) bền vững. Đồng thời, huyện kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến lâm sản trên địa bàn, qua đó đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thêm chuỗi giá trị nguồn nguyên liệu, giúp Nhân dân nâng cao thu nhập.

Hiện mô hình nứa, luồng với quy mô 3.045ha ở các xã Tam Thanh và Tam Lư, là mô hình đầu tiên của cả nước được Tổ chức quản lý rừng bền vững Quốc tế công nhận và cấp chứng chỉ (FSC). Nhờ vậy, giá nguyên liệu đã tăng thêm 15 - 20%.

Căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện của địa phương, các xã đã khuyến khích, vận động Nhân dân xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi vịt tại các xã Sơn Hà, Tam Lư; trồng rau an toàn tại các xã Tam Lư; Sơn Thủy; mô hình trồng măng tây ở xã Sơn Hà; chăn nuôi lợn rừng lai tại xã Sơn Hà, Mường Mìn; Trung Hạ, Trung Xuân…

Quan Sơn có lợi thế về phát triển rừng, trong đó nứa, luồng là nguồn nguyên liệu chính, giúp người dân nâng cao thu nhập thoát nghèo.
Quan Sơn có lợi thế về phát triển rừng, trong đó nứa, luồng là nguồn nguyên liệu chính, giúp người dân nâng cao thu nhập thoát nghèo.

Trong nhiệm kỳ, Quan Sơn cũng đạt được một số kết quả trong xây dựng NTM. Đến cuối năm 2020, dự kiến toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM; 46 bản về đích nông thôn; 1 xã NTM nâng cao; có 6 bản đạt NTM nâng cao; 6 bản NTM kiểu mẫu; bình quân xã đạt 14,5 tiêu chí; bản đạt 11,4 tiêu chí.

Nổi bật trong công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ biên giới thời gian qua là, việc kết nghĩa giữa cư dân hai bên đường biên; kết nghĩa với hai huyện Sầm Tớ và Viêng Xay (Lào). Quan Sơn cũng đã viện trợ không hoàn lại cho hai huyện trên 3 tỷ đồng đầu tư vào các mô hình sản xuất, mô hình hoạt động chợ và trạm kiểm soát liên ngành, các thiết bị y tế, giáo dục và kỹ thuật xây dựng...

Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân hằng năm của huyện đã đạt 13,87%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Năm 2020 tỷ trọng theo cơ cấu ngành Lâm - Nông - Thủy sản chiếm 40,6%; công nghiệp - xây dựng chiếm 22,8%; dịch vụ - thương mại chiếm 36,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020, ước đạt 32,2 triệu đồng.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh; tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển kinh tế trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp; xây dựng NTM; thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, chú trọng bảo tồn khai thác bản sắc văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.