Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tuy nhiên thời gian qua Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,23%, đứng thứ 3/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 8.368 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt trên 3 tỷ đô la;thu nhập bình quân đầu người đạt gần 62 triệu đồng/năm, mức thu nhập này cao hơn bình quân chung của cả nước và các tỉnh trong khu vực.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDRP đạt 10,02%, đứng thứ 2 trong khu vực, thu ngân sách đạt trên 4 nghìn tỷ đồng ….
Trong công tác kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch, tỉnh luôn quan tâm quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như cam kết của địa phương trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Lào Cai. Qua đó, góp phần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lào Cai nhanh và bền vững.
Đồng thời, kết nối, thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch giữa tỉnh Lào Cai với các đối tác trong và ngoài nước. Nội dung xúc tiến tập trung vào lĩnh vực như phát triển hạ tầng đô thị, cửa khẩu; các dự án về logistics; dự án công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất, chế biến dược liệu; phát triển dịch vụ, du lịch…
Trong 3 năm gần đây, Lào Cai đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho hàng trăm dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 100.000 tỷ đồng. Trong đó nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện như Sungroup, Bitexco, Alphanam,...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành quả mà Lào Cai đạt được sau 28 năm tái lập tỉnh. Những kết quả đó là minh chứng rõ nét nhất những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đưa Lào Cai từ địa phương nghèo, khó khăn nhất cả nước trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực.
“Thế và lực” của Lào Cai đang lớn mạnh, bởi Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị và vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh- Hà Nội-Hải Phòng, khu kinh tế cửa khẩu ngày càng phát triển, du lịch tăng trưởng nhanh, công nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Qua đó, khẳng định vị thế, thương hiệu Lào Cai trong quá trình phát triển; đồng thời củng cố, xây dựng nội lực nền tảng vững chắc để Lào Cai có bước đột phá mới.
Thủ tướng đề nghị thời gian tới để đưa Lào Cai phát triển toàn diện, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, tỉnh cần quan tâm giải quyết một số vấn đề như: Tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng thu hút đầu tư, chuyển đổi tư duy quản lý hành chính sang nền hành chính vì dân, vì doanh nghiệp. Tập chung phát triển du lịch theo hướng bền vững, làm thế nào từ du lịch đời sống người dân phải được nâng lên. Gắn khai thác du lịch các danh lam thắng cảnh với bảo tồn và gìn giữ cho muôn đời sau.
Trong phát triển công nghiệp Thủ tướng yêu cầu Lào Cai nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung phải quán triệt tinh thần đó là không chấp nhận phát triển bằng mọi giá mà phái gắn với bảo vệ môi trường, khai thác có hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, khai thác tiềm năng thế mạnh về khí hậu thổ nhưỡng đặc thù của địa phương để nuôi, trồng các giống cây, con đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, đưa Lào Cai trở thành trung tâm, đầu mối quan trọng trong luân chuyển hàng hóa ra với các nước trên thế giới. Muốn làm được những điều này tỉnh cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trú trọng chất lượng giáo dục trong hệ thống các trường nội trú, góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS…
Tại Hội nghị, tỉnh Lào Cai đã trao 8 quyết định chủ trương đầu tư các dự án với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; ký thỏa thuận hợp tác với 11 đối tác với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD.
TRỌNG BẢO