Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quảng bá văn hóa xứ Tuyên: Cái “bắt tay” giữa văn hóa và du lịch

Giang Lam - 10:15, 29/04/2023

Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có, kho báu văn hóa ở tỉnh Tuyên Quang dần được đánh thức, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào DTTS đã tự học hỏi, tìm ra cách làm riêng để đưa văn hóa dân tộc mình vươn xa qua con đường du lịch.

Câu lạc bộ hát Sình Ca người Cao Lan, xã Thắng Quân (huyện Yên Sơn).
Thành viên Câu lạc bộ hát Sình Ca người Cao Lan, xã Thắng Quân (huyện Yên Sơn) tập luyện hát

Hướng phát triển rộng mở

Ngày CLB giữ gìn bản sắc người Dao Trung Hà (huyện Chiêm Hóa) ra mắt, thầy Bàn Văn Minh thực hiện đủ nghi lễ từ việc treo tranh thờ, mời gọi Ngọc Hoàng bằng tù và, bày biện nghi lễ báo cáo tổ tiên một cách cẩn trọng. Từ sáng sớm, người dân ở Trung Hà đến kín cả hội trường nhà văn hóa xã. Với bà con, đây là sự kiện lớn, mong đợi bao lâu của bản làng.

 Những nét văn hóa như thêu thùa, chấm váy in hoa văn bằng sáp ong, lễ cấp sắc, chữ viết, tiếng nói… được phục hồi, bản sắc người Dao được “sống lại” sau bao năm lãng quên. Chuyện vui không dừng lại đó! Từ những nét văn hóa đặc sắc và sự hoang sơ, kỳ bí của khung cảnh thiên nhiên nơi đây cũng đã trở thành điểm hẹn du lịch của du khách gần xa đến khám phá.

Có thể thấy rằng, cái “bắt tay” giữa văn hóa và du lịch đã tạo nên hiệu ứng tích cực cho nhiều địa phương ở Tuyên Quang. Có được kết quả này là cả một quá trình, trong đó việc phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS, là gốc rễ phát triển bền vững. Cách làm này được coi là “mục tiêu kép”, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển du lịch một cách hài hòa, ổn định.

Trẻ em thôn Bản Va, xã Yên Hoa (huyện Na Hang) tập hát Then, đàn Tính.
Trẻ em thôn Bản Va, xã Yên Hoa (huyện Na Hang) tập hát Then, đàn Tính.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhiều năm qua, Sở Văn hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội; bảo tồn, khôi phục các làn điệu dân ca của địa phương. Nhờ vậy, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc được khôi phục, trở thành món ăn tinh thần độc đáo của người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hằng năm như: Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, Lễ Cấp sắc và Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ hội Nhảy lửa người Pà Thẻn… Không chỉ diễn ra ở quy mô cấp huyện mà tại các xã, nhiều lễ hội cũng được tổ chức hằng năm như Lễ hội Lồng tông bản Cuống, xã Minh Quang (huyện Chiêm Hóa), Lễ hội Cầu mùa, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương)… Đây là những “điểm hẹn” quen thuộc du khách thập phương vào dịp đầu năm mới.

Lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa thu hút du khách.
Lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa thu hút du khách.

Bên cạnh đó, tại các bản làng, các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa đã vào cuộc để mở các lớp học chữ, thêu thùa, dạy tiếng nói dân tộc mình, khơi gợi tình yêu văn hóa trong người trẻ. Cùng với sự khuyến khích từ phía chính quyền địa phương, các câu lạc bộ (CLB0 bảo tồn văn hóa ra đời. 

Theo thống kê của Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, thì trên địa bàn tỉnh có hơn 200 CLB đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 CLB hát Then - đàn Tính, 6 CLB hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 CLB hát Sình ca của người Cao Lan, 50 CLB sử dụng, giữ gìn tiếng nói dân tộc... Những tiết mục “cây nhà lá vườn” của các đội văn nghệ, CLB đã trở thành “đặc sản” để tiếp đón du khách khi đến với bản làng.

Những sản phẩm du lịch đặc sắc

Vào dịp Lễ hội thành Tuyên năm 2022, ông bà David Osborne và Karen Osborne (quốc tịch New Zealand) đã đến Tuyên Quang để được chiêm ngưỡng những mô hình đèn lồng khổng lồ được rước trong Lễ hội Trung thu. Ông David trầm trồ: “Sự sáng tạo của con người nơi đây thật tuyệt vời!”

Ông bà David Osborne và Karen Osborne (Quốc tịch Newzaland) trải nghiệm các mô hình tại Lễ hội Thành Tuyên.
Ông bà David Osborne và Karen Osborne (Quốc tịch Newzaland) trải nghiệm các mô hình tại Lễ hội Thành Tuyên.

Tuyên Quang có nhiều sản phẩm du lịch khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh, đó là du lịch lịch sử, văn hóa với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương), Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình (huyện Chiêm Hóa)... Hiện toàn tỉnh có 635 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, được ví như “bảo tàng cách mạng” của cả nước, là địa chỉ đỏ về nguồn của người dân cả nước và điểm đến của du khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, du lịch tâm linh cũng là một thương hiệu của du lịch xứ Tuyên. Hằng năm, tỉnh Tuyên Quang đã đón lượng khách hành hương, chiêm bái chùa chiền, khẳng định được thương hiệu “vùng đất thiêng”, “miền đất mẫu”.

Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa của người dân Lâm Bình.
Du khách nước ngoài trải nghiệm văn hóa của người dân Lâm Bình.

Từ các sản phẩm du lịch gắn liền với lịch sử, văn hóa đặc sắc xứ Tuyên đã kết nối với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Mỹ Lâm (TP. Tuyên Quang), hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, du lịch cộng đồng Homestay. Trong đó, loại hình du lịch đặc trưng, tạo được điểm nhấn ở Tuyên Quang, đó là du lịch cộng đồng Nà Tông, xã Thượng Lâm; Nặm Đíp, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình); Khau Tràng, xã Hồng Thái (huyện Na Hang); Tân Lập, Tân Trào (huyện Sơn Dương)…

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, trên địa bàn huyện các điểm du lịch cộng đồng được xây dựng theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Đây chính là bước đi vững chắc để phát triển văn hóa, du lịch một cách hài hòa, bền vững.

Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực tại Homestay Triệu Cường, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)
Du khách nước ngoài trải nghiệm ẩm thực tại Homestay Triệu Cường, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

Để tạo sức lan tỏa, ngành Du lịch Tuyên Quang đã tăng cường quảng bá thương hiệu, xây dựng video, clip, phim ca nhạc, phim tài liệu, phóng sự, tin bài trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các đơn vị quản lý văn hóa, các địa phương đều đã thành lập các trang Web, Fanpage, Facebook để quảng bá du lịch. Điển hình như: dulichtuyenquang.gov.vn; Lehoithanhtuyen.vn; MyTuyenQuang.vn; Lễ hội thành Tuyên, Du lịch Na Hang, Du lịch Lâm Bình, Du lịch Sơn Dương…

Quảng bá văn hóa dân tộc Pà Thẻn (Tuyên Quang) tại Thủ đô Hà Nội.
Quảng bá văn hóa dân tộc Pà Thẻn (Tuyên Quang) tại Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, trên mạng xã hội Youtube, các bạn trẻ người Tày, Dao… cũng tìm cách quảng bá văn hóa du lịch thông qua quay video thực tế. Nhiều kênh nổi tiếng thu hút hàng nghìn lượt đăng ký theo dõi như: “Anh em miền núi”, “Đôi đũa tre”, “Đông Bắc quê tôi”, “Giấc mơ xanh”… góp phần quảng bá hình ảnh quê hương một cách bình dị, chân thực nhất. Từ đó, tạo dựng trong lòng du khách một hình ảnh xứ Tuyên tươi đẹp, đầy sức sống, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Người đẹp xứ Tuyên trải nghiệm thêu hoa văn trang trí tại homestay Triệu Cường, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình)
Người đẹp xứ Tuyên trải nghiệm thêu hoa văn trang trí tại homestay Triệu Cường, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình)
Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…