Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Quảng Bình: Báo động tình trạng lấn chiếm hàng lang bảo vệ đê điều

Khánh Ngân - 19:03, 30/06/2023

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 28 tuyến đê, kè với tổng chiều dài 280,2 km. Qua kiểm tra, rà soát cơ quan chức năng đã phát hiện 38 trường hợp vi phạm hàng lang bảo vệ đê điều.

Quảng Bình: Báo động tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ đê
Nhà hàng nổi neo đậu bên tả tuyến đê Lệ Kỳ (Tp. Đồng Hới)

Vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều trên diện rộng

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn toàn tỉnh có 38 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đã được thống kê và có các kết luận của thanh tra. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng mới xử lý được 9 trường hợp, hiện còn 29 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều.

Trong 38 trường hợp nói trên, có 34 hộ gia đình và 4 doanh nghiệp thuộc địa bàn của 4 địa phương: Huyện Quảng Trạch (5 trường hợp: 4 hộ gia đình, 1 doanh nghiệp); huyện Bố Trạch (5 hộ gia đình); huyện Quảng Ninh (15 hộ gia đình); thị xã Ba Đồn (10 hộ gia đình, 3 doanh nghiệp). Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Xây dựng công trình phụ, làm lều quán, xây kho đựng vật liệu, làm bãi tập kết vật liệu, xây dựng nhà, xưởng đóng tàu trong phạm vi bảo vệ đê điều.

Theo nghi nhận của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, dọc tuyến đê Nhật Lệ - Bàu Tró thuộc địa phận Tp. Đồng Hới (Quảng Bình), một loạt nhà hàng như hàng Bình Yên, Sóng Thần, Nam Thành, Phố Biển… đã được xây dựng kiên cố ảnh hưởng đến dòng chảy ở cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển. Gần đó, bên tả tuyến đê Lệ Kỳ cũng có nhà hàng nổi Bình Minh cũng được xây dựng ngay trên dòng chảy của sông.

Tình trạng vi phạm bên tả Sông Nhật Lệ đoạn qua thị xã Ba Đồn
Tình trạng vi phạm bên tả sông Nhật Lệ đoạn qua thị xã Ba Đồn

Không chỉ có ở Tp. Đồng Hới, mà ở thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Ninh cũng xuất hiện tình trạng nhà hàng nổi được xây dựng trên mặt sông và có đường dẫn vào thân đê. Ghi nhận tại thị xã Ba Đồn, nhà hàng nổi Linh Giang cũng được xây dựng bề thế neo đậu ngay bên tả đê Sông Giang. Ngoài ra, nhiều công trình phụ, lều quán, bãi tập kết vật liệu, cầu cảng… ở xã Quảng Lộc; xã Quảng Minh; phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn).

Điều đáng nói, cả 7 nhà hàng nổi được neo đậu trên các tuyến đê, tuyến sông ở nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Không hiểu sao, những nhà hàng nổi này vẫn ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm qua?

Cần quyết liệt hơn để xử lý vi phạm

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 38 trường hợp vi phạm nêu trên, đến nay các địa phương đã xử lý tháo dỡ, giải tỏa được 5 trường hợp (huyện Quảng Trạch 1, Bố Trạch 3, thị xã Ba Đồn 1); 1 trường hợp mới tháo dỡ một phần (huyện Quảng Ninh); 1 trường hợp đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều. Hiện còn 29 trường hợp vi phạm vẫn chưa chấp hành tháo dỡ, giải tỏa

Huyện Quảng Ninh, là địa phương có 15 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, địa phương lại tỏ ra lung túng và triển khai rất chậm.

Một bãi tập kết cát vi phạm Luật đê điều ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh
Một bãi tập kết cát vi phạm Luật đê điều ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, lý giải: "Năm trước, địa phương đã xử lý nhiều trường hợp, trong đó, có 3 trường hợp phải cưỡng chế vì không chấp hành. Tuy nhiên, có những bến bãi tập kết cát, công trình phục vụ chăn nuôi có nhắc rồi, nhưng trước đây là đất của họ, chưa có đê. Sau này đầu tư xây dựng đê vào đó. Bây giờ theo Luật Đê điều thì số chuồng trại, bãi cát đó vi phạm nên đang bàn và xử lý dần vì lịch sử để lại".

Chức năng của hệ thống đê điều là ngăn mặn, giữ ngọt, chống lũ để bảo đảm tài sản và tính mạng của Nhân dân. Ngoài ra, hệ thống đê điều còn góp phần điều tiết nước để tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy phát triển kinh tế của địa phương.Tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng, lấn chiếm trái phép phạm vi bảo vệ đê điều sẽ gây ra nguy cơ gây mất an toàn công trình đê điều và ảnh hưởng lớn đến hành lang thoát lũ các tuyến sông có đê.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Công văn số 996/UBND-KT yêu cầu các sở, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc Luật Đê điều, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. 

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật vụ vi phạm tồn đọng trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều. Tin chắc, sau chỉ đạo của UBND tỉnh, những công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đê điều tại tỉnh Quảng Bình sẽ được xử lý triệt để.

Tin cùng chuyên mục
Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Kim Bôi (Hòa Bình): Hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa (Bài 5)

Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Kim Bôi (Hòa Bình): Hiệu quả tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa (Bài 5)

Những năm qua, huyện Kim Bôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Thực tế cho thấy, tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức giao lưu sân khấu hóa đạt hiệu quả nổi bật, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo Nhân dân.