Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quảng Bình: Cập nhật dữ liệu để triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản

Tùng Nguyên - 09:09, 12/10/2024

HĐND tỉnh Quảng Bình vừa thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn. Để chính sách được thực thi hiệu quả thì việc cập nhật dữ liệu từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS trên địa bàn tỉnh cần được các cơ quan liên quan quan tâm triển khai.

CĐTB là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. (Ảnh minh họa)
CĐTB là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. (Ảnh minh họa)

Giảm số lượng cô đỡ thôn, bản

Theo thống kê của Sở Y tế Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 1.123 nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố; trong đó 128 cô đỡ thôn, bản (CĐTB). Đội ngũ CĐTB có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Mặc dù là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, nhưng nhiều năm nay, đội ngũ CĐTB nói chung hoạt động rất khó khăn, thiếu thốn. Không có chế độ hỗ trợ, đội ngũ CĐTB thực hiện nhiệm vụ với sự nhiệt tình, trách nhiệm với bà con.

Chị Y Mắc, sinh năm 1993, người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều) là một trong số đó. Từ năm 2014 đến nay, Y Mắc là CĐTB của bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Công việc hàng ngày của Y Mắc khá vất vả, ngoài việc nhà, cứ chiều muộn lại trèo đèo, leo dốc đi khám cho các bà mẹ mang thai trong bản, hướng dẫn cho các bà mẹ sắp sinh chuẩn bị đồ dùng cần thiết để ra Trạm Y tế xã sinh nở...

Vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Bình có diện tích tự nhiên trên 3.800 km2, dân số trên 6.400 hộ với gần 28.000 người. Trong đó, dân tộc Bru - Vân Kiều có 4.543 hộ, 19.209 khẩu; dân tộc Chứt có 1.717 hộ, 7.064 khẩu; còn lại là các DTTS khác (Mường, Thổ, Tày, Nùng, Thái…).

Theo chị Y Mắc, trước đây, CĐTB còn được nhận ít phụ cấp hằng tháng nhờ kiêm nhiệm y tế thôn, bản. Nhưng từ năm 2019 đến nay, khoản phụ cấp này cũng bị cắt, ảnh hưởng lớn đến tâm tư và công việc hàng ngày của các CĐTB.

“Nếu có được khoản phụ cấp hàng tháng thì mình cũng như các chị em sẽ yên tâm rất nhiều, tập trung làm tốt hơn cho công việc, giúp bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, tiến gần hơn với miền xuôi”, chị Y Mắc chi sẻ.

Cũng vì tâm tư này mà hoạt động của CĐTB ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình đang chững lại, có xu hướng giảm xuống. 

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, ông Dương Thanh Bình, do không có chế độ hỗ trợ trong thời gian dài, một số nhân viên y tế thôn, bản ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng và có ý định ngừng hoạt động.

Để rõ hơn thực trạng này, thì cần đối chiếu số liệu từ cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II năm 2019. Cách đây 05 năm, theo số liệu điều tra, toàn tỉnh Quảng Bình có 498 thôn thuộc các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đội ngũ CĐTB có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Bình. (trong ảnh: Chị Hồ Thị Năm, cô đỡ bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tuyên truyền, tư vấn ức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai ở địa phương - Ảnh: Tâm An)
Đội ngũ CĐTB có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Bình. (trong ảnh: Chị Hồ Thị Năm, cô đỡ bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tuyên truyền, tư vấn ức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai ở địa phương - Ảnh: Tâm An)

Cũng theo kết quả điều tra, 100% thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Bình có CĐTB; đồng nghĩa toàn tỉnh có 498 CĐTB. Nhưng đến tháng 10/2024, số liệu trong tờ trình của UBND tỉnh để HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND ngày 25/10/2024 toàn tỉnh có 128 CĐTB.

Số liệu chính xác về đội ngũ CĐTB ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình đã được thu thập trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2024. Đây là là dữ liệu để tỉnh Quảng Bình có đánh giá về tình hình hoạt động của lực lượng CĐTB hiện nay.

Rà soát để triển khai chính sách

Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, nhân lực y tế làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn thiếu; hơn nữa sự khác biệt về ngôn ngữ, cán bộ y tế là người Kinh khó có khả năng hòa nhập, tiếp cận với đồng bào các DTS. Vì vậy, CĐTB là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán.

Những năm qua, ngành Y tế Quảng Bình đã triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CĐTB.
Những năm qua, ngành Y tế Quảng Bình đã triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CĐTB.

Chính vì sự cần thiết đó, Sở Y tế Quảng Bình đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ đối với nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn, trình HĐND tỉnh. Chính sách này được HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua tại Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND, ngày 25/10/2024.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, ông Dương Thanh Bình, chính sách hỗ trợ này rất ý nghĩa, cần thiết. Bởi đội ngũ y tế thôn, bản - CĐTB là cánh tay nối dài của đội ngũ y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Hiện tỉnh Quảng Bình có 1.123 nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố, trong đó 128 cô đỡ thôn, bản. Dự kiến số kinh phí hỗ trợ cho tổng số nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hằng năm trên địa bàn tỉnh gần 11,2 tỷ đồng/năm.

Nhưng cần lưu ý là, theo Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND ngày 25/10/2024 của HĐND tỉnh Quảng Bình, cớ chế hỗ trợ CĐTB căn cứ vào dân số tại các địa bàn phụ trách.

Theo đó, với những thôn, bản có từ 350 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên thì được hỗ trợ bằng 0,5 lần mức lương cơ sở/tháng; đối với nhân viên y tế thôn, bản tại thôn, bản dưới 350 hộ được hỗ trợ bằng 0,3 lần mức lương cơ sở/tháng.

Đây thực sự là một quy định sẽ mang lại nhiều tâm tư cho các CĐTB ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Bởi thực tế, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình, mỗi thôn, bản có 350 hộ trở lên rất hiếm; phần lớn nằm dưới con số này, thậm chí chủ yếu dưới 100 hộ.

Như bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, nơi chị Y Mắc đang làm CĐTB; cả bản chỉ có có 33 hộ, với hơn 175 nhân khẩu. Với quy mô dân số đó, chị Y Mắc chỉ được hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở/tháng.

Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình, mỗi thôn, bản có quy mô dân số không nhiều, giao thông đi lại khó khăn, cách trở. (Trong ảnh: Một góc xã Trọng Hóa, huyện Mình Hóa)
Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình, mỗi thôn, bản có quy mô dân số không nhiều, giao thông đi lại khó khăn, cách trở. (Trong ảnh: Một góc xã Trọng Hóa, huyện Mình Hóa)

Trong khi đó, từ bản Chăm Pu ra trung tâm xã Thượng Trạch khoảng hơn 15km đường rừng, trong đó có 2km rất khó đi, về mùa mưa phải đi bộ. Đặc biệt, người dân trong bản còn đẻ nhiều, nhà nào cũng 3 - 4 con, nhà đông nhất có từ 9 - 10 người con. Công việc của chị Y Mắc vì vậy nặng nề và khó khăn gâp bội phần.

Đây là những vấn đề tỉnh Quảng Bình cần quan tâm khi triển khai chính sách hỗ trợ đối với CĐTB. Từ số liệu điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III năm 2024 trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, tỉnh Quảng Bình cần có những điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp đối với đội ngũ CDDTB ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Trước khi HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua Nghị quyết số 77/2024/NQ-HĐND ngày 25/10/2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Quảng Bình đã trích kinh phí để hỗ trợ đội ngũ CĐTB. Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã phân bổ hơn 2,42 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, nguồn hỗ trợ phụ cấp CĐTB là 921 triệu đồng cho các huyện : Minh Hóa 330 triệu đồng, Tuyên Hóa 36 triệu đồng, Bố Trạch 197 triệu đồng, Quảng Ninh 170 triệu đồng và Lệ Thủy 188 triệu đồng.