Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Hà Giang: 46 cô đỡ thôn bản đang hoạt động thường xuyên tại các xã đặc biệt khó khăn

Vũ Mừng - 18:03, 05/06/2024

Tại tỉnh Hà Giang, trong tổng số 139 cô đỡ thôn bản được đào tạo, hiện có 46 cô đỡ thôn bản đang hoạt động thường xuyên tại các thôn, bản khó khăn.

Cô đỡ Vừ Thị Mỷ tư vấn sức khỏe sinh sản và chăm sóc trẻ sơ sinh cho sản phụ tại thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
Cô đỡ Vừ Thị Mỷ tư vấn sức khỏe sinh sản và chăm sóc trẻ sơ sinh cho sản phụ tại thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang

Mô hình cô đỡ thôn bản đã được triển khai tại tỉnh Hà Giang từ năm 2008. Theo Sở Y tế Hà Giang từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo được 139 cô đỡ thôn bản tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh, 100% cô đỡ thôn bản đều là người DTTS.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, tổng số phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản khám thai là 669 người; 101 bà mẹ được cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tại nhà; 519 bà mẹ được cô đỡ thôn bản chăm sóc sau sinh tại nhà; 17 bà mẹ mang thai được phát hiện có yếu tố nguy hiểm cao; cô đỡ thôn bản vận động thành công 205 bà mẹ đến cơ sở y tế đẻ…

Cô đỡ thôn bản hiện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.

Các cô đỡ thôn bản còn tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở khám, chữa bệnh sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi; hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, cách cho trẻ ăn hợp lý; xử trí ban đầu các trường hợp xảy ra tai biến trong quá trình đẻ tại nhà và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời tại những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, góp phần giảm tình trạng tử vong mẹ, trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang các cô đỡ thôn bản vẫn chưa có nhiều phụ cấp nên việc duy trì ổn định lực lượng này trong thời gian tới đang gặp nhiều khó khăn.

Sở Y tế Hà Giang đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần có chính sách, nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ các đối tượng này để những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở cơ sở yên tâm công tác tại những địa bàn khó khăn.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.