Đối với nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh năm 2022 đề nghị kéo dài sang năm 2023, Sở KH-ĐT tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh (tại Kỳ họp thứ 14, dự kiến tổ chức tháng cuối 4/2023) xem xét cho chuyển hơn 10,3 tỷ đồng của Chương trình nông thôn mới (NTM); còn đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh cắt giảm gần 12 tỷ đồng chưa giải ngân hết do hụt thu ngân sách tỉnh năm 2022.
Đối với nguồn vốn của năm 2023, đến nay UBND tỉnh đã phân bổ cho 3 Chương trình MTQG (gồm xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) gần 1.959,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư hơn 1.288,5 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 670,9 tỷ đồng.
Riêng đối với nguồn vốn Ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài sang năm 2023, đến nay 100% các địa phương đã lập thủ tục đối chiếu với Kho bạc Nhà nước tỉnh để chuyển nguồn sang năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, lãnh đạo các sở, ban ngành và đơn vị liên quan cần tích cực phối hợp rà soát, đánh giá cụ thể từng phần việc của các chương trình. Chỗ nào gặp khó khăn, vướng mắc thì cần phải tập trung giải quyết, tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Quan điểm chỉ đạo nhất quán của UBND tỉnh là đến cuối tháng 6/2023 phải giải ngân dứt điểm nguồn vốn của năm 2022 và giải ngân 50% nguồn vốn của năm 2023. Đơn vị, địa phương nào chậm trễ trong việc giải ngân thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cũng yêu cầu Văn phòng điều phối NTM tỉnh, có kế hoạch làm việc cụ thể với các địa phương không giữ chuẩn NTM sau khi áp dụng bộ tiêu chí mới. Từ đó, xác định rõ lộ trình, giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng chuẩn NTM.