Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quảng Ngãi: Phân bổ hơn 194 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững

Thành Nhân - 07:15, 05/04/2023

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Quyết định số 193/QĐ-UBND phân bổ hơn 194,4 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 175,3 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 19 tỷ đồng.

Tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định. (Ảnh minh họa)
Tỉnh Quảng Ngãi nỗ lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định. (Ảnh minh họa)

Giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm cấp phát kinh phí nêu trên theo quy định; các cơ quan, đơn vị, địa phương được bố trí kinh phí chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định. Sở Lao động Thương binh và Xã hội (Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững) chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện của các huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh để chỉ đạo.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND về việc, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm nghèo năm 2023 để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu cần đạt đến cuối năm 2023 đó là, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,13%, riêng tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; giảm 4.107 hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3,24%.

Đồng thời, phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo, xây dựng và phê duyệt trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Ngoài ra, 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; tối thiểu 200 người lao động được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo xuống còn 33,9%, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống còn 33,8%… Tối thiểu 1.450 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững…