Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Quảng Nam: Nỗ lực cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất

Minh Ngọc và BTV - 21:36, 30/10/2020

Cơn bão số 9 càn quét từ Đà Nẵng đến Phú Yên từ ngày 28/10 khiến nhiều địa phương trở nên hoang tàn, đổ nát. Đặc biệt là những trận mưa lớn kéo dài liên tục trong nhiều ngày gây ra lũ lớn, sạt lở đất tại địa bàn nhiều xã vùng cao của tỉnh Quảng Nam đã vùi lấp, cuốn trôi cả vài chục ngôi nhà cùng nhiều người dân. Hiện tại, công tác cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất đang được lực lượng chức năng nỗ lực triển khai.

Những nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp 45 người ở xã Trà Leng
Những nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp 45 người ở xã Trà Leng

Cơn thịnh nộ của núi

Chưa dừng lại ở những thiệt hại do bão, những vụ sạt lở đất đá ở những vùng miền núi càng khốc liệt hơn. Cuộc tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 phải tạm dừng một vài ngày, thì ngay lập tức huyện Nam Trà My (Quảng Nam) lại xảy ra vụ sạt lở ở 2 xã vùi lấp 53 người. Cụ thể, tại xã Trà Leng, đất đá vùi lấp 45 người. Xã Trà Vân 8 người. Ngay sau đó, vụ sạt lở ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) khiến 11 người bị vùi lấp. 

Chiều 28/10, anh Hồ Văn Sợ, cán bộ dân vận và anh Hồ Văn Độ, Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) vào bản giúp dân chạy lũ, sơ tán tài sản, đồ đạc và không ngờ, thảm họa sạt núi đã xảy ra, 2 cán bộ cùng hàng chục người dân đã bị vùi trong bùn đất.

Còn ông Nguyễn Thành Sơn, một nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng thẫn thờ kể lại: “Vụ sạt lở đất diễn ra quá nhanh, làm mọi người trong nóc (bản làng) không kịp trở tay. Khi sự việc xảy ra, tôi bị vùi lấp dưới đống đất đá, rất may được bà con dân làng đào bới kịp thời nên thoát chết trong gang tấc. Thật là kinh khủng quá ”.

Khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả 

Ngay sau khi xảy ra các vụ sạt lở đất tại địa bàn các xã ở Quảng Nam, lực lượng chức năng đã lập tức đưa các phương tiện, thiết bị tìm kiếm vào hiện trường. Tại điểm sạt lở đất thôn 1, xã Trà Leng và xã Trà Vân, lực lượng chức năng đã cứu được 33 người mất tích còn sống (trong đó có 8 người bị thương nặng), tìm thấy 7 thi thể nạn nhân bị vùi lấp, còn 13 người hiện chưa tìm thấy.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My cho biết, đến 16h chiều 29/10, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân tại xã Trà Leng, trong đó có 2 bệnh nhân rất nặng, qua hội chuẩn thống nhất chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam để điều trị.

Tại điểm sạt lở tại xã Phước Lộc hiện vẫn còn 6 người mất tích trong tổng số 13 người, gồm 11 người ở thôn 3 (thôn 6 cũ) và 2 cán bộ bị vùi lấp ở thôn 1 khi đang trên đường công tác. Ngoài ra, có trên 200 công nhân thủy điện Đăk Mi 2 đang bị cô lập.

Sáng 30/10, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà chủ trì cuộc làm việc với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn để bàn phương án tiếp cận hiện trường, cứu hộ cứu nạn tại xã Phước Lộc. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn đề nghị, các lực lượng tại chỗ xã Phước Lộc tiếp tục huy động lực lượng cứu nạn, tìm kiếm người mất tích. Các lực lượng đang nỗ lực thông tuyến để tăng cường hỗ trợ.

Đối với số công nhân bị cô lập, hiện nay tiến hành tiếp tế lương thực thực phẩm qua dây cáp được công ty thủy điện kéo qua trạm vận hành. Phương án đưa ra là tìm kiếm thân cây to cắt gỗ làm cầu, kiểm tra đường Đăk Chong, Đăk Lây để cơ động vào hoặc đề nghị trực thăng tiếp tế.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn đề nghị lập sở chỉ huy tiền phương đặt tại xã Phước Công để phục vụ công tác chỉ đạo. Hiện, Đoàn công tác đã vào khảo sát tiền trạm.

Sáng 30/10, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Nam do Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường dẫn đầu cũng đã có mặt tại Phước Sơn để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Tin cùng chuyên mục