Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Nam: Tăng cường công tác quản lý chất lượng Sâm Ngọc Linh

T.Nhân - 08:45, 03/10/2023

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn đề nghị các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Nam Trà My tăng cường quản lý chất lượng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Trước thông tin có nhiều loại Sâm Ngọc Linh giả xuất hiện trên thị trường, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành chức năng tăng cường quản lý để bảo vệ người tiêu dùng
Trước thông tin có nhiều loại Sâm Ngọc Linh giả xuất hiện trên thị trường, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành chức năng tăng cường quản lý để bảo vệ người tiêu dùng

Qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và người dân, việc quảng cáo, mua bán các sản phẩm Sâm Ngọc Linh giả, không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội đang có diễn biến phức tạp… làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sản xuất chân chính. Đặc biệt, làm cho người tiêu dùng bị nhiễu thông tin về chất lượng và giá trị của Sâm Ngọc Linh, do không phân biệt được sâm thật và sâm giả.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 ngày 18/9/2017 của UBND tỉnh. Tập trung ngăn ngừa các hành vi quảng cáo, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh giả trên các mạng xã hội và tăng cường hoạt động kiểm tra nguồn gốc xuất xứ Sâm Ngọc Linh củ.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dung biết về tình trạng lừa bán sâm giả Sâm Ngọc Linh đang phổ biến trên mạng; những dấu hiệu nhận biết sâm thật - sâm giả nhằm giúp cho người dân, du khách tránh mua nhầm các sản phẩm giả Sâm Ngọc Linh trên thị trường; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ mua Sâm Ngọc Linh ở những địa chỉ đáng tin cậy và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; giới thiệu phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng tại huyện Nam Trà My.

Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xử lý, đề nghị xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng tên miền “samngoclinh” để rao bán các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm khác từ sâm gắn với thương hiệu Sâm Ngọc Linh theo đúng các quy định về sở hữu trí tuệ.

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị có liên quan tổ chức các đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, mua bán các sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh bảo đảm có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng rõ ràng, đúng quy định. Kịp thời xử lý các hành vi gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… theo quy định của pháp luật.

Cây Sâm Ngọc Linh
Cây Sâm Ngọc Linh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, cung ứng giống Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn, xử lý trường hợp buôn bán hạt giống, cây giống không rõ nguồn gốc.

Về phía huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đề nghị tổ chức tuyên truyền đến cán bộ cơ sở và người dân, các chốt sâm về tác hại của sâm giả, từ đó vận động người dân không tham gia vào việc mua bán sâm giả, dẫn nhập các loài sâm từ những vùng khác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào trồng trong vùng sâm. Tổ chức kiểm tra, phát hiện và thông tin kịp thời các trường hợp nghi ngờ gian lận thương mại và buôn bán hàng giả Sâm Ngọc Linh trên địa bàn đến các cơ quan chức năng có liên quan.

Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại và các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh không bảo đảm các quy định hiện hành.

Quản lý, thực hiện việc trồng Sâm Ngọc Linh theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 421 ngày 23/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; tuyệt đối không sản xuất, sử dụng giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không đưa vào trồng các giống không phải là Sâm Ngọc Linh.
Tin cùng chuyên mục
Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho đồng bào A Lưới

Cây dược liệu mở hướng thoát nghèo cho đồng bào A Lưới

Thực hiện Kế hoạch phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021 - 2025 gắn liền với nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy hoạch trên 300 ha vùng trồng dược liệu, tập trung tại các xã Quảng Nhâm, A Roàng, Hồng Bắc thuộc huyện A Lưới, từ đó, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở huyện vùng cao này.