Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

T.Nhân-H.Trường - 13:18, 04/05/2024

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.

Chúng tôi có dịp về thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Ba Giang (Ba Tơ) trong giờ học văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê. Tiếng chiêng ba hòa âm cùng làn điệu dân ca ngân vang khắp trường, mang lại niềm vui cho giáo viên, học sinh và cả những nghệ nhân tâm huyết với văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Ba Giang chăm chú lắng nghe dạy đánh cồng chiêng
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ba Giang chăm chú lắng nghe dạy đánh cồng chiêng

Em Phạm Văn Tài, học sinh lớp 6 chia sẻ: Từ nhỏ, em đã được ông bà, cha mẹ dạy rằng, cồng chiêng là hồn của dân tộc mình nên cần phải gìn giữ. Khi được tham gia lớp đánh chiêng em rất thích thú. Em và các bạn sẽ cố gắng tiếp thu để cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Theo Nghệ nhân Phạm Văn Sây, người trực tiếp đứng lớp, các em học sinh tiếp thu rất nhanh các nhịp cồng chiêng. Các cháu thể hiện rất tốt khả năng cảm âm của chiêng, khi kết hợp hài hòa với làn điệu dân ca tạo nên những màn trình diễn rất đặc sắc. Thực sự rất mừng vì thế hệ kế cận có thể tiếp nối phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào Hrê.

Việc thành lập các Câu lạc bộ Văn hoá truyền thống trong trường học, giúp các em học sinh thêm yêu văn hoá dân tộc mình
Việc thành lập các CLB Văn hoá truyền thống trong trường học, giúp các em học sinh thêm yêu văn hoá dân tộc mình

Ngoài các lớp đánh chiêng ba, các em học sinh ở huyện Ba Tơ cũng được nhạc sĩ Phạm Minh Đát - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh trực tiếp truyền dạy hát Ta lêu, Ca choi. Các lớp học diễn ra sôi nổi. Những bài hát tiêu biểu của đồng bào Hrê như: Hát ca ngợi về quê hương, Bác Hồ, tình đoàn kết các dân tộc anh em, ca ngợi về cuộc sống mới… được các em học sinh thực hiện một cách mượt mà, đằm thắm.

Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ba Giang Đào Văn Thành cho hay: Nhà trường đặc biệt chú trọng phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Tích cực lồng ghép, tổ chức cho học sinh trải nghiệm văn hoá truyền thống vào các buổi hoạt động ngoại khóa để các em được giao lưu, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trường có gần 100% là học sinh người Hrê. Việc đưa cồng chiêng, hát dân ca vào dạy đã giúp thế hệ trẻ quan tâm hơn đến văn hóa, nghệ thuật truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Sơn Tây đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian vào tháng 9/2021. Sau 3 năm thành lập, CLB đã phục dựng nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Ca Dong như: Lễ hội Cá Poa nêu (ăn lúa mới), Tết của người Ca Dong... CLB đã sưu tầm, trưng bày hàng trăm vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Ca Dong.

Các em học sinh người đồng bào DTTS luôn có tình yêu văn hoá dân tộc
Các em học sinh người đồng bào DTTS luôn có tình yêu văn hoá dân tộc

CLB Văn hóa dân gian đã trở thành sân chơi cho nhiều học sinh người đồng bào DTTS tại huyện Sơn Tây. Em Đinh Lâm Phong, một thành viên của câu lạc bộ chia sẻ: Từ nhỏ em đã được nghe ông, cha em đánh những điệu chiêng hay của dân tộc mình, em rất thích nhưng chưa được học đánh chiêng. Từ khi tham gia câu lạc bộ của trường, em được học đánh chiêng một cách bài bản. Vì thế, em rất vui và sẽ cố gắng luyện tập đánh chiêng thuần thục, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của người Ca Dong.

Thầy Lê Hoài Thạnh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Sơn Tây cho biết: Trường thiết kế phòng trưng bày theo đúng nội dung sinh hoạt của CLB, có các trò chơi dân gian, nhạc cụ, trang phục, văn hóa dân tộc dân gian. Các em đến đây học tập, sinh hoạt, cùng bảo tồn phát huy giá trị đặc sắc của người Ca Dong. Việc thành lập CLB được nhà trường chú trọng, nhằm trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc, tìm lại hồn cốt của cha ông để các em thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc. Đến nay, nhiều học sinh đã biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống, biết đánh chiêng, hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình...

Tại huyện trà Bồng, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Trà Thủy, là ngôi trường đầu tiên của huyện thành lập CLB Văn hóa dân tộc Cor, với 30 thành viên gồm các em học sinh có niềm yêu thích, đam mê với văn hóa dân tộc và một số thầy cô giáo. 

Trong nhiều năm qua, nhà trường rất quan tâm tổ chức nhiều các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Cor cho học sinh, như tổ chức làm các loại bánh đặc trưng của người Cor mừng tết Ngã rạ, tổ chức đánh chiêng, thi các trò chơi dân gian...

Tương tự, tại trường PTDTNT THPT tỉnh, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục, bảo tồn nét đẹp văn hóa của các dân tộc. Vào các ngày thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần, học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đến lớp học. Ngoài ra, trường còn tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao định kỳ và tổ chức ngày hội Tết cổ truyền vào dịp cuối năm, giúp học sinh có cơ hội giao lưu, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của các dân tộc.

Học sinh các trường học ở miền núi Quảng Ngãi mặc trang phục truyền thống đi học
Học sinh các trường học ở miền núi Quảng Ngãi mặc trang phục truyền thống đi học

Ông Nguyễn Thế Nhân, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Việc đưa văn hóa các dân tộc vào giảng dạy trong trường học, là một trong những giải pháp nhằm thực hiện tốt Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay,  tỉnh  đang tiếp tục đẩy mạnh lan tỏa mạnh mẽ các mô hình bảo tồn này trong các nhà trường để các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.