Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

Bình Định: Kết nối văn hoá của đồng bào DTTS với phát triển du lịch

T.Nhân-H.Trường - 08:40, 22/03/2024

Những năm qua, tỉnh Bình Định rất quan tâm đến phát triển du lịch ở các huyện miền núi. Đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, biến chúng trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng và có sức hút đối với du khách.

Đồng bào miền núi Bình Định luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn những nét văn hoá truyền thống
Đồng bào miền núi Bình Định luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn những nét văn hoá truyền thống

Vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Các huyện miền núi của tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Trong đó, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh được đánh giá “viên ngọc quý” hàng đầu để khai thác du lịch. Nơi đây ở độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những cánh rừng hùng vĩ, sông, suối, thác còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ - căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn…

Đồng bào Ba Na huyện Vĩnh Thạnh còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như: lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ, các bài cúng, truyền thuyết, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, đàn T’rưng…

 Ngoài ra, còn có những công trình để tham quan như: Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, nhiều vườn rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số loài hoa cảnh quan đang được trồng phục vụ phát triển du lịch như: Đào Nhật Tân (Hà Nội) và đào Osaka (Nhật Bản), hoa Tú Cầu (Đà Lạt)…

Bình Định quan tâm phát triển văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS để gắn với phát triển du lịch
Bình Định quan tâm phát triển văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS để gắn với phát triển du lịch

Tại huyện An Lão, điểm đến nổi bật nhất là xã An Toàn, với độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển; khí hậu mát mẻ bậc nhất trong tỉnh (nhiệt độ trung bình năm khoảng 22 - 24 độ C. An Toàn là nơi có khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất trong tỉnh; trong đó, có vẻ đẹp rừng chè tự nhiên rộng đến 1,9 ha trên đồi cao, cung cấp nguyên liệu chế biến “Chè tiến vua An Toàn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bảo hộ độc quyền nhãn hiệu; khu rừng sim tự nhiên có tổng diện tích đến gần 200 ha, rất đẹp vào mua hoa sim nở… Bên cạnh đó, còn có nhiều suối, thác đẹp, những thửa ruộng bậc thang, nhiều ngôi nhà sàn đẹp giữa rừng núi.

Trong số 3 huyện miền núi của tỉnh, huyện Vân Canh có lợi thế ở gần TP. Quy Nhơn, lại có đông đồng bào DTTS sinh sống, chủ yếu là đồng bào Ba Na và Chăm Hroi (một nhánh của dân tộc Chăm). Đồng bào nơi đây còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống như lễ hội cầu mưa, lễ đổ đầu, nghệ thuật trình diễn trống K’toang của người Chăm Hroi và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na. Đặc biệt, xã vùng cao Canh Liên có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp rất phù hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Bảo tồn văn hoá gắn với phát triển du lịch

Thời gian qua, các sở, ban, ngành ở Bình Định đã triển khai nhiều kế hoạch, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch miền núi, dựa trên nguyên tắc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá; biến tiềm năng, thế mạnh thành những sản phẩm du lịch đặc trưng. Vừa giúp đồng bào có thu nhập, phát triển kinh tế, đồng thời phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Theo ông Sô Lan Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh, để làm du lịch gắn với làng nghề, trước tiên phải giữ được làng nghề truyền thống và có các phương thức phát triển bền vững. Ngoài việc khôi phục các làng nghề truyền thống, việc khai thác các giá trị đặc trưng khác như âm nhạc, lễ hội cũng là một lợi thế cho du lịch miền núi. “Chẳng hạng như tại huyện Vân canh, ngoài trình diễn cồng chiêng thì diễn tấu trống K’toang cũng được xem là một “đặc sản” thu hút khách du lịch. Vì thế, cần phải đầu tư không gian trình diễn và truyền dạy cho lớp kế cận”, ông Tài đưa ra ý kiến.

Bình Định có nhiều chương trình, chính sách để phát triển du lịch ở vùng núi
Bình Định có nhiều chương trình, chính sách để phát triển du lịch ở vùng núi

Còn ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS, huyện đã và đang phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao (VHTT) tái hiện Lễ mừng cốm mới, nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng người Ba Na. 

Ngoài ra, huyện đã mở các lớp tập huấn truyền nghề dạy chỉnh sửa cồng chiêng, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đàn T’rưng… và đang lên kế hoạch làm phim tài liệu về trường ca Hơ mon. Bên cạnh đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng một số điểm du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bình Định, cho rằng: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Bình Định xem phát triển du lịch, là một trong những lĩnh vực rất quan trọng. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó hướng đến khai thác tài nguyên du lịch hiện có của các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Sở VHTT sẽ phối hợp với ngành Du lịch và các địa phương được thụ hưởng tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, kiểm kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, phục dựng các Lễ hội truyền thống tốt đẹp để xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch.

“Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành thì mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ phải có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, có những hành động thiết thực góp phần đưa văn hoá truyền thống đến du khách. Đồng thời, người dân cần chủ động nhập cuộc cùng với chính quyền làm du lịch, thông qua việc tổ chức xây dựng homestay, các tour, tuyến tham quan đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương mình”, bà Thảo đề xuất

Làng nghề truyền thống được định hướng gắn với du lịch thông qua các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng
Làng nghề truyền thống được định hướng gắn với du lịch thông qua các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng

Trao đổi với phóng viên về định hướng phát triển du lịch miền núi, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định chia sẻ: Du lịch được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển của tỉnh. Ngoài phát triển du lịch biển, đảo, du lịch tâm linh, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các huyện trung du và miền núi tìm cách “đánh thức” các tiềm năng sẵn có này. Sở đã phối hợp cùng các địa phương đưa lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào Ba Na thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu…

Đơn cử như xây dựng điểm du lịch làng nghề thổ cẩm truyền thống Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh và đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án phát triển Làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh thành điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với các sản phẩm như: Tham quan cảnh quan đồi, đồng ruộng, tham quan hoa Trang rừng - Suối Tà Má, các suối đầu nguồn, cây đa cổ thụ; trải nghiệm quá trình dệt thổ cẩm; trekking, dã ngoại, khám phá sinh thái cảnh quan rừng, khám phá văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na tại địa phương… Đối với các làng nghề truyền thống khác của đồng bào, Sở cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào để khôi phục và phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Rối nước -“Hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần nơi làng quê

Tiếng trống, tiếng mõ rộn rã thúc giục từng hồi, những đợt pháo thăng thiên, pháo mở cờ ngoạn mục vang lên, từng con rối bắt đầu được thổi hồn, thoát ẩn thoát hiện tài tình trên mặt nước. Dưới mái thủy đình ngói đỏ cong cong, múa rối nước chính là kho tàng lưu giữ nét văn hóa dân gian Bắc Bộ, là “hiện thân” sống động của những giá trị nhân sinh trong đời sống tinh thần, của những làng quê vùng đồng bằng sông Hồng.